Rộng đường cho đổi mới, sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã trở thành “chìa khóa thành công” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ĐMST, nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), hiện thực hóa khát vọng hùng cường. Xung quanh câu chuyện này, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Đổi mới sáng tạo là một trụ cột quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Ảnh: Lê Tiên
Đổi mới sáng tạo là một trụ cột quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông, ĐMST có “sức mạnh” như thế nào đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia?

Thực tế đã chứng minh ĐMST có vai trò động lực quan trọng đối với tăng năng suất, hiệu quả, tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.

Các nghiên cứu chỉ ra, nền kinh tế sáng tạo giúp ích được rất nhiều cho sự phát triển kinh tế và làm giàu cho một quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và chủ yếu gia công, lắp ráp, xuất khẩu thô. Nếu không ĐMST thì chính doanh nghiệp (DN), đất nước sẽ không thể phát triển, mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam chủ yếu dựa trên vốn đầu tư và lao động. Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ không thể tiếp tục theo cách truyền thống mà sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là ĐMST, cụ thể là ĐMST được dẫn dắt bởi công nghệ.

CMCN 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và DN, đòi hỏi phải rất nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức. Trong bối cảnh ấy, như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, ĐMST chính là “chìa khóa” để chúng ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.

Việt Nam đã và đang làm gì để nắm bắt cơ hội này, thưa ông?

Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận ra vai trò quyết định của ĐMST trong đổi mới mô hình tăng trưởng, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng cao, bền vững và tạo việc làm có chất lượng. Trong nhiều cơ chế, chính sách được ban hành thời gian qua, ĐMST đã được nhắc đến như là “lợi khí” để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Ông Vũ Quốc Huy

Ông Vũ Quốc Huy

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 là thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST trên tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Đặc biệt, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ĐMST với phát triển đất nước trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, ĐMST là một trụ cột quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm tới. Điều đó khẳng định, ĐMST là con đường để đất nước phát triển nhanh, bền vững và giúp thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển. Đây cũng là “chìa khóa” để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ.

Đến nay, Bộ KH&ĐT đã chủ động xây dựng, triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Khóa đào tạo đầu tiên trong chuỗi đào tạo chuyển đổi số cho DN thuộc Chương trình đã được khởi động vào giữa tháng 4/2021…

Được kỳ vọng trở thành hạt nhân thúc đẩy ĐMST, NIC ra đời với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi. Các cơ chế, chính sách này sẽ “mở khóa” thúc đẩy đầu tư vào ĐMST như thế nào?

Với tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội phát triển, đến nay, khung pháp lý thúc đẩy đầu tư ĐMST của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, tạo lực hút đầu tư vào ĐMST.

Ngay sau khi NIC được thành lập, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP, quy định về cơ chế, chính sách, trong đó đưa ra những chính sách ưu đãi đối với Trung tâm và cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại đây. Với Trung tâm, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

DN khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm khi tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, bao gồm yêu cầu về doanh thu, nguồn lực tài chính, hợp đồng tương tự và các yêu cầu khác để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, DN khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm và đối tác ĐMST của Trung tâm sẽ nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm khi thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ…

Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư ĐMST, Luật Đầu tư 2020 quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt nhằm khuyến khích phát triển một số dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quyết định, trong đó có NIC và các trung tâm ĐMST.

Cụ thể hoá cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư dành cho ĐMST trong Luật Đầu tư, tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư vừa được Chính phủ ban hành chỉ rõ, NIC và các DN, dự án đặt tại NIC (bao gồm cả các cơ sở đặt tại những địa phương khác của NIC) sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Làn sóng Covid-19 trở lại hồi đầu năm tác động ra sao đến hoạt động ĐMST, thưa ông?

Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh trên toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN. Tuy vậy, với những giải pháp quyết liệt, Việt Nam vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế dương, điều không nhiều nền kinh tế làm được và đang tiếp tục thực hiện mục tiêu này trong năm 2021. Nhờ đó, ngay những tháng đầu năm nay, hoạt động khởi nghiệp ĐMST tiếp tục đón những tin vui với hàng loạt thương vụ gọi vốn thành công.

Đầu tháng 1/2021, MoMo (công ty ví điện tử tại Việt Nam) công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 với sự tham gia của 6 nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Trong số này có các nhà đầu tư mới (Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital) cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu (Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management).

Tiếp đó, Công ty CP VNG công bố thương vụ đầu tư vào Got It - doanh nghiệp cung cấp nền tảng quà tặng điện tử cao cấp tại Việt Nam với khoản đầu tư trị giá 6 triệu USD (tương đương 138 tỷ đồng).

Công ty CP Citics cũng vừa thông tin, nền tảng công nghệ bất động sản Citics đã huy động được 1 triệu USD trong vòng pre-series A từ một nhóm các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, bao gồm Vulpes Investment Management (quỹ đã từng đầu tư vào startup kỳ lân Property Guru từ vòng hạt giống), Nextrans và TheVentures…

Một số DN cũng đã tung ra thị trường các sản phẩm mới trong lĩnh vực ĐMST, góp phần giúp hoạt động này trở nên sôi động.

Với những chuyển động từ chính sách tới thực tế, chắc chắn sẽ có một làn sóng mới đầu tư vào ĐMST ở Việt Nam.

Chuyên đề