Nhiều địa phương, chủ đầu tư, bên mời thầu đã chú trọng sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được. Ảnh: Lê Tiên |
Trước yêu cầu hiện nay về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, chính sách ưu đãi cũng cần liên tục cập nhật, bổ sung để tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp. Báo Đấu thầu đã phỏng vấn ông Trần Hào Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về các chính sách này.
Nhà nước hiện có những chính sách gì để tạo điều kiện cho hàng hóa sản xuất trong nước tham gia đấu thầu, thưa ông?
Đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã triển khai được 10 năm. Mỗi bộ, ngành, lĩnh vực đều có những giải pháp, cách làm với nhiều chính sách để khuyến khích người Việt ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước.
Đối với hoạt động đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2005 đã có những quy định nhằm khuyến khích nhà thầu tăng cường sử dụng hàng hóa Việt khi tham gia đấu thầu. Tiếp đó, tại Khoản 1 Điều 14 Luật Đấu thầu 2013 cũng quy định: “Nhà thầu được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa mà hàng hóa đó có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên”.
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Trần Hào Hùng |
Sau khi Luật Đấu thầu 2013 có hiệu lực, ngày 17/11/2015, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT công bố danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được gồm 8 nhóm để các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu có định hướng phù hợp, tạo điều kiện cho hàng Việt “có mặt” tại các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Để đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng vật tư, hàng hóa trong nước, giúp doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước nâng cao sức cạnh tranh trước áp lực về hội nhập khi thực thi cam kết quốc tế, ngày 4/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.
Liên tục cập nhật danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được, ngày 30/3/2018, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT thay thế Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT. Ngày 17/8/2021, Bộ KH&ĐT tiếp tục ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT thay thế Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT công bố 9 nhóm danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được (bổ sung thêm một số hàng hóa trong nước đã sản xuất được) gồm: phương tiện vận tải chuyên dùng; máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; vật tư xây dựng trong nước; nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế; linh kiện, phụ tùng xe ô tô; vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí; nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm cho đóng tàu; máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm; giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài xây dựng và trình ban hành quy định ưu tiên cho hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa từ 25% trở lên trong Luật Đấu thầu, nhiều năm qua, Bộ KH&ĐT liên tục đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tham mưu chính sách thúc đẩy sử dụng hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung, ban hành luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước.
Hiệu quả của các chính sách trên ra sao, thưa ông?
Các chính sách ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trên cả nước thực hiện tiết kiệm trong quá trình mua sắm tài sản công, ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước sản xuất được khi triển khai thực hiện các dự án, công trình. Báo cáo công tác đấu thầu hàng năm ghi nhận nhiều địa phương, chủ đầu tư, bên mời thầu… đã chú trọng sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được và các nhà thầu cũng đã mạnh dạn đề xuất sử dụng nhiều mặt hàng “made in Việt Nam”. Từ đó thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất, góp phần giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện vẫn thiếu các quy định cụ thể, hiệu quả nhằm khuyến khích sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng hóa nhập khẩu; ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Thực tiễn đòi hỏi các chính sách ưu đãi phải cụ thể hơn đối với từng trường hợp. Trường hợp nào thì ưu đãi đối với nhà thầu, trường hợp nào ưu đãi đối với hàng hóa nhằm tạo điều kiện cũng như tăng cường tính cạnh tranh cho nhà thầu và hàng hóa trong nước.
Thời gian qua, nhiều mặt hàng mặc dù được sản xuất hoàn toàn trong nước nhưng chỉ dưới dạng nhập khẩu toàn bộ hoặc phần lớn nguyên vật liệu, vật tư từ nước ngoài, sau đó tiến hành khâu chế biến, chế tạo, lắp đặt tại Việt Nam rồi đăng ký thương hiệu, dán nhãn mác hàng hóa sản xuất trong nước. Các chính sách ưu đãi nêu trên vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, công nghệ và nghiên cứu, sản xuất hàng hóa. Do đó, nhiều chuyên gia, các bộ, ngành đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy định ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa lớn (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư chế tạo ra hàng hóa đó), đặc biệt là hàng hóa do doanh nghiệp trong nước đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất thay thế được hàng nhập khẩu; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa trong nước trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc phù hợp với điều kiện thực tế trong nước, quán triệt chủ trương “khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà không trái với các cam kết trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu nhiều áp lực do dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nổi bật là Chỉ thị số 03-CT-TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới... Đó cũng là cơ sở để thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng những chính sách cụ thể, thiết thực hơn nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu; tăng cường ưu đãi cho hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước trong công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Ông có thể chia sẻ một số định hướng về xây dựng chính sách ưu đãi trong đấu thầu dành cho hàng Việt trong thời gian tới?
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, Luật Đấu thầu sẽ được sửa đổi. Trong đó dự kiến bổ sung quy định về ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, cung cấp bởi các nhóm yếu thế trong xã hội; quy định về khuyến khích dùng hàng hóa sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu; quy định đối với việc mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo; mua sắm xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Để thúc đẩy sản xuất trong nước, một số nội dung sẽ được nghiên cứu bổ sung như quy định về xác định và công bố danh mục hàng hóa sản xuất trong nước (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư chế tạo ra hàng hóa đó), quy định cụ thể cách tính ưu tiên, ưu đãi đối với các loại hàng hóa này so với hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa thấp. Nhà thầu chào các loại hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa lớn để thay thế cho hàng nhập khẩu sẽ được ưu tiên. Sẽ có các tiêu chí cụ thể định lượng về hàng Việt trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu.
Việc bổ sung các chính sách ưu đãi trong đấu thầu khi sử dụng hàng Việt sẽ có tác động như thế nào đối với việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa?
Khi các chính sách “đủ mạnh” và hiệu quả nhằm hỗ trợ, ưu tiên và thúc đẩy mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, công nghệ để sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu.
Tôi cho rằng, các chính sách ưu đãi sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần phát triển đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Những điểm nhấn của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng chưa thực sự toàn diện… Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
2. Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.
3. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Có chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hoá trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
4. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá Việt Nam…
Tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025; Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024"; sớm xây dựng, phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam… Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn…
6. Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; nơi có điều kiện có thể thành lập ban chỉ đạo cấp huyện. Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động do Ban Bí thư quyết định thành lập; Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban chỉ đạo Cuộc vận động ở địa phương do cấp ủy cùng cấp ra quyết định thành lập; tuỳ theo đặc điểm của địa phương, trưởng ban chỉ đạo có thể là phó bí thư cấp ủy hoặc thường vụ cấp ủy, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.