Một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh công nợ với Ricons trong vai trò là nhà thầu phụ đến nay chưa được quyết toán xong. Ảnh: Tường Lâm |
Trong khi việc chấm thầu đang diễn ra thì sàn chứng khoán có nhiều dịp “nhảy giá” theo động thái truyền thông giữa các đối thủ. Trong diễn biến mới nhất, Coteccons và Ricons “bóc mẽ” nợ nần trước công luận, đặt ra dấu hỏi về sức khỏe tài chính của các nhà thầu…
“Bóc mẽ” nợ nần Ricons - Coteccons
Công ty CP Xây dựng Coteccons là thành viên đứng đầu Liên danh Hoa Lư còn Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, thành viên đứng thứ hai của Liên danh VIETUR - 2 liên danh đang cùng dự thầu Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hàng khách (Gói thầu 5.10) của Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng KHQT Long Thành.
Cuộc “bóc mẽ” bắt đầu khi Coteccons nhận đươc Thông báo số 10/TB-TA (ngày 4/7/2023) của Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Ricons. Trước đó, Ricons gửi Coteccons nhiều văn bản yêu cầu xác nhận công nợ và trả nợ. Theo đó, tính đến cuối tháng 2/2023, tổng giá trị công nợ mà Coteccons phải trả cho Ricons là hơn 322 tỷ đồng và tổng giá trị công nợ Ricons phải trả cho Coteccons là hơn 95 tỷ đồng. Sau đó, do không tìm được tiếng nói chung, Ricons đã khởi kiện ra Tòa đề nghị mở thủ tục phá sản với Coteccons.
Ngày 25/7/2023, Tòa án thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng là ngày Coteccons phát đi thông cáo báo chí về tranh chấp với Ricons. Trong thông cáo ra công chúng, Coteccons khẳng định việc có phát sinh các giao dịch, bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả với Ricons. Công nợ phát sinh bắt đầu từ trước năm 2019, khi Coteccons và Ricons cùng trong hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho. Quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng có những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á và một số giao dịch cho thuê thiết bị, sử dụng tiện ích. Công nợ phát sinh cho đến nay chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị kèm theo những chứng từ chưa đủ điều kiện về pháp lý. Ở chiều ngược lại, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh công nợ với Ricons trong vai trò là nhà thầu phụ, đến nay chưa được quyết toán xong như dự án Newtaco, Regina, Nhà máy Vinfast và Simco.
Thông tin ra công chúng, Coteccons nêu, nhiều lần yêu cầu tại các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu. Coteccons cho rằng, Công ty đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước và việc Ricons gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản là thiếu sự hợp tác. “Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này (thời điểm chấm thầu Gói thầu 5.10 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành vào giai đoạn nước rút, quyết định - PV)” Coteccons nêu.
Giới nhà thầu tại TP. HCM đánh giá, diễn biến nói trên đặt trong chuỗi diễn biến truyền thông rầm rộ về năng lực của Hoa Lư kể từ thời điểm đóng/mở thầu Gói thầu 5.10 đến nay là một “gáo nước lạnh” cho uy tín liên danh này. Hàng loạt tin, bài phân tích sức mạnh tài chính, khẳng định năng lực, kinh nghiệm của các thành viên Hoa Lư được đưa ra công chúng. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một thành viên Liên danh Hoa Lư “có dịp” giải thích những hoài nghi xung quanh việc không đủ năng lực tài chính tham gia Gói thầu 5.10 (do lỗ lớn, nợ lớn). Và nay, đứng trước hiện trạng nợ nần giữa các nhà thầu thuộc 2 liên danh, dư luận lại dấy lên câu hỏi về sức khỏe tài chính nhà thầu.
Tại HSMT, Gói thầu 5.10 chỉ yêu cầu nguồn lực tài chính có giá trị 3.244 tỷ đồng. Theo HSMT, nhà thầu phải chứng minh khả năng tiếp cận hoặc sẵn có tài sản có khả năng thanh khoản cao, hạn mức tín dụng khả dụng hoặc các nguồn tài chính khác để đáp ứng yêu cầu nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu. Một số chuyên gia cho rằng, yêu cầu của HSMT không quá khó, do cho phép nhà thầu sử dụng cam kết cung cấp tín dụng (tối thiểu 3.244 tỷ đồng) của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khó với Bên mời thầu là phải chọn ra đúng nhà thầu phải có sức khỏe tài chính lành mạnh, bởi đây là một yếu tố để nhà thầu thực hiện trọn vẹn Gói thầu.
Ricons và Coteccons thuộc 2 liên danh khác nhau đang cạnh tranh Gói thầu 5.10 của Dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Tường Lâm |
Cuộc “nhảy giá” mơ hồ
Cuộc thầu chưa ngã ngũ, nhưng những “nhiễu động” thông tin giữa các nhà thầu lại tác động mạnh tới tâm lý các nhà đầu tư, cổ đông nắm giữ cổ phiếu của những “ông lớn” xây dựng. Những phân tích về khả năng thắng thầu lúc của liên danh Hoa Lư, lúc của VIETUR đã làm giá cổ phiếu các nhà thầu trong mỗi liên danh này “rung lắc”. Trong một số phiên giao dịch, giới đầu tư đổ xô gom cổ phiếu nhà thầu thuộc nhóm VIETUR, “ngoảnh mặt” với cổ phiếu nhóm Hoa Lư và ngược lại. Giá cổ phiếu cứ “nhảy” theo động thái thông tin giữa 2 nhóm thầu.
Trong ngồn ngộn khó khăn của ngành xây dựng dân dụng hiện nay, một số quan điểm cho rằng, bất cứ nhà thầu nào trúng Gói thầu 5.10 cũng như có được “phao cứu sinh” để duy trì việc làm, dòng tiền cho hệ sinh thái hiện có và phát triển. Chưa kể, bên thắng thầu sẽ thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư, cổ đông, tăng khả năng thu hút các đối tác mới đổ tiền vào làm mạnh năng lực tài chính… Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng hơn, một số ý kiến khác nhận định, thực thi Gói thầu 5.10 là một thách thức lớn, bởi giá gói thầu được xây dựng theo hệ thống đơn giá định mức của Việt Nam, không tương xứng với yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chất lượng và tiến độ công trình. Nếu được trao hợp đồng, cũng chỉ có nghĩa nhà thầu được nhận khối lượng công việc lớn, còn có tạo được lợi nhuận hay không, vẫn là câu hỏi ngỏ. Việc giá cổ phiếu “nhảy” theo dòng chảy thông tin khác nhau từ các nhóm nhà thầu cho thấy thêm một loại diễn biến mơ hồ nương theo cuộc thầu có quy mô rất lớn này.
Trong các liên danh dự thầu Gói 5.10, Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors kín tiếng nhất. Có lẽ vì vậy mà năng lực của CHEC-BCEG-Vietnam Contractors là một ẩn số, nhưng giới thầu không thể xem nhẹ. Ngày 28/7/2023, trao đổi với Báo Đấu thầu, lãnh đạo ACV khẳng định, chuyện nợ nần giữa Coteccons và Ricons không ảnh hưởng gì đến việc chấm thầu Gói 5.10. Việc đánh giá năng lực dựa vào hồ sơ dự thầu trên tinh thần chính xác, khách quan, công bằng.
Cũng liên quan đến sức khỏe tài chính nhà thầu, Ấn Độ mới đây có yêu cầu các nhà thầu phải có mức xếp hạng tín nhiệm BBB hoặc cao hơn khi tham gia đấu thầu các gói thầu lớn, nhằm góp phần giải quyết vấn đề trì hoãn ở nhiều dự án do một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính. Trong trường hợp đơn vị tổng thầu không có mức xếp hạng tín nhiệm đạt yêu cầu, họ phải có chứng thư bảo lãnh hoặc thư ủng hộ của ngân hàng để được tham gia đấu thầu các dự án lớn của Chính phủ. Ấn Độ chính thức áp dụng việc xếp hạng tín nhiệm nhà thầu từ tháng 4 năm 2023.
Mức xếp hạng tín nhiệm BBB được xác định là khả năng rủi ro vỡ nợ của các doanh nghiệp ở mức “Thấp”, theo đó các đơn vị này có sức khỏe tài chính tin cậy, có khả năng thu xếp tài chính để thực hiện các dự án lớn, có thời gian triển khai dài và cần nguồn vốn lớn tương ứng để triển khai.
Tại Việt Nam, hồ sơ mời thầu mới chỉ yêu cầu bên dự thầu chứng minh nguồn lực tài chính, chưa có yêu cầu về định mức tín nhiệm với nhà thầu.