Ra mắt “siêu” Uỷ ban quản lý hơn 2,3 triệu tỷ đồng
Tác giả:
Việt Anh
(BĐT) - Chiều ngày 30/9/2018, tại Hà Nội, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý hơn 2,3 triệu tỷ đồng, chính thức ra mắt.
Phát biểu chúc mừng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra mắt và đi vào hoạt động chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, từ đó nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế là yêu cầu cơ bản được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ lâu. Việc ra mắt Uỷ ban là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch chức năng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... "Một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại. Đây là cơ quan thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh đất nước".
Thủ tướng: Dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban. Ảnh VGP
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP ngày 03/02/2018 về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Uỷ ban đã luôn nhận được sự chỉ đạo và các ý kiến kịp thời của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là Tổ công tác thành lập Ủy ban do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng. Mặc dù số lượng cán bộ ban đầu còn hạn chế, chủ yếu là các cán bộ biệt phái từ một số bộ, ngành và SCIC, nhưng thời gian qua, Ủy ban đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều công việc để đảm bảo sẵn sàng đưa Ủy ban vào hoạt động chính thức ngay khi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được Chính phủ ban hành.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban. Ảnh VGP
Chủ tịch Uỷ ban thông tin thêm, Ủy ban đã xây dựng Đề án Vị trí việc làm; làm việc với các bộ, ngành có liên quan, SCIC và Bộ Nội vụ để lên phương án tiếp nhận, điều chuyển biên chế, tuyển dụng; xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ các đơn vị của Ủy ban để ban hành ngay sau khi có Nghị định của Chính phủ. Ủy ban đã xây dựng hơn 40 quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ, đến nay đã cơ bản hoàn thành các quy chế nghiệp vụ quan trọng nhất về tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước, quản trị vốn tại doanh nghiệp, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đồng thời triển khai chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Bộ Chỉ số bao gồm các chỉ số chung và chỉ số riêng theo ngành/lĩnh vực có xem xét tương quan ngành trong toàn thị trường. Hệ thống này cũng sẽ giảm thiểu thời gian lập, gửi và tổng hợp báo cáo doanh nghiệp đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định hiện hành nhờ hệ thống mạng và phần mềm chuyên biệt phục vụ tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu. Dự kiến khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt dộng của doanh doanh nghiệp thường xuyên liên tục, phấn đấu cập nhật, giám sát đầy đủ tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao quyết định cho bà Nguyễn Thị Phú Hà. Ảnh VGP
Cũng trong khuôn khổ Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban. Trước sự chứng kiến của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban cùng với 05 Bộ (Công Thương; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tài chính) ký kết biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban.
Tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã công bố Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban. Theo Nghị định, có 07 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Uỷ ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Tổng hợp Báo cáo tài chính tới thời điểm ngày 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước tại 19 doanh nghiệp được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.