Ảnh minh hoạ. |
Trong số 10 quỹ trái phiếu nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc nhất (tính theo giá trị bằng USD), có tới 9 quỹ đạt kết quả kém hơn chỉ số tham chiếu tương ứng trong đợt biến động thị trường trái phiếu Trung Quốc. Gần đây, khi giá trái phiếu Trung Quốc hồi phục, một số quỹ trong số này mới hồi theo.
Lâu nay, thường chỉ có nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi phải hứng chịu những cú sốc liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, nợ do các doanh nghiệp Trung Quốc phát hành giờ đây đã trở nên phổ biến đến nỗi biến động giá của kênh đầu tư này ảnh hưởng đến cả những quỹ trái phiếu ở Mỹ và châu Âu, trong đó có quỹ được quản lý bởi những công ty lớn như Pacific Investment Management Co. hay BlackRock Inc.
Tờ báo này đã phân tích dữ liệu từ Morningstar Inc. và rút ra kết luận rằng trong vòng 1 tháng trở lại đây, các quỹ trái phiếu nắm nhiều trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc nhất đạt kết quả kém hơn so với các chỉ số tham chiếu mà các quỹ này dựa vào. Đó là do giá cổ phiếu và trái phiếu của các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục tư nhân, công nghệ và bất động sản đồng loạt lao dốc sau những thay đổi về quy chế giám sát và chính sách của Bắc Kinh.
Nhà chức trách Trung Quốc gần đây công bố kế hoạch đưa các công ty giáo dục tư nhân như New Oriental Education & Technology Group Inc. thành tổ chức phi lợi nhuận, đồng thời kiềm chế ảnh hưởng của những công ty công nghệ lớn như công ty giao hàng thực phẩm Meituan hay “đế chế” bán lẻ trực tuyến Alibaba Group Holding Ltd. Chính phủ Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu rằng họ muốn hạn chế hoạt động vay nợ tràn lan của các tập đoàn phát triển bất động sản. Trong tháng 7 vưà qua, giới đầu tư như “ngồi trên đống lửa” vì lo sợ tập đoàn địa ốc vay nợ nhiều nhất thế giới China Evergrande Group có thể rơi vào cảnh vỡ nợ trái phiếu.
THỊ TRƯỜNG CHƯA THOÁT HIỂM
Theo phân tích của Wall Street Journal, trong số 10 quỹ trái phiếu nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc nhất (tính theo giá trị bằng USD), có tới 9 quỹ đạt kết quả kém hơn chỉ số tham chiếu tương ứng trong đợt biến động thị trường trái phiếu Trung Quốc. Gần đây, khi giá trái phiếu Trung Quốc hồi phục, một số quỹ trong số này mới hồi theo.
Tuy nhiên, nhà quản lý Quỹ Nish Popat của Neuberger Berman Group LLC dự báo rằng những quỹ nắm nhiều trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc sẽ còn trải qua biến động trong thời gian tới. Đặc biệt, trái phiếu của những công ty địa ốc Trung Quốc với định hạng tín nhiệm không khuyến nghị đầu tư (junk, hay còn gọi là trái phiếu “rác”), nhiều khả năng sẽ hứng chịu những đợt sụt giảm mới. “Chúng tôi không cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đã hoàn toàn thoát hiểm”, ông nói.
Không chỉ trái phiếu “rác”, trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc hạng khuyến nghị đầu tư (investment grade) cũng đứng trước nhiều rủi ro. Giá trái phiếu có định hạng tín nhiệm BBB của Meituan, đáo hạn vào năm 2030 gần đây đã giảm giá còn 0,91 USD/1 USD mệnh giá, theo dữ liệu từ MarketAxess, từ mức 1 USD/1 USD mệnh giá vào hồi giữa tháng 7. Mức độ giám sát gia tăng đối với Meituan được thể hiện rõ khi có thông tin nói rằng cơ quan chức năng Trung Quốc đang có kế hoạch áp một án phạt chống độc quyền 1 tỷ USD đối với công ty này.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc hiện có 6,55 nghìn tỷ USD dư nợ trái phiếu, trong đó có 752 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ. Nếu tính cả nợ do Chính phủ phát hành, thị trường trái phiếu nội địa Trung Quốc hiện có quy mô khoảng 15 nghìn tỷ USD, lớn thứ hai chỉ sau Mỹ.
Cùng với đó, các quỹ trái phiếu toàn cầu thuộc các công ty quản lý quỹ Mỹ và châu Âu đã trở nên rất lớn, đồng nghĩa rằng chỉ cần quỹ này phân bổ một tỷ trọng nhỏ vào trái phiếu Trung Quốc là đã ra một giá trị tuyệt đối lớn.
Theo dữ liệu từ Morningstar, quỹ Strategic Income Opportunities Fund có quy mô 42 tỷ USD của BlackRock mới đây tuyên bố phân bổ 1,45% vốn vào trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, tương đương 610 triệu USD.
Các công ty quản lý quỹ lớn khác đã đặt cược lớn vài trái phiếu lợi suất cao của Trung Quốc để bù đắp mức lãi suất thấp kỷ lục của trái phiếu doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu. Quỹ Global Investment Grade Credit Fund với quy mô 20 tỷ USD của Pimco mới đây tuyên bố phân bổ 5%, tương đương khoảng 1 tỷ USD, vào trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc - theo Morningstar. Trái phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc mang lại mức lợi suất cao hơn khoảng 0,9 điểm phần trăm so với trái phiếu hạng đầu tư của Mỹ - theo dữ liệu từ Citigroup.
Quỹ Enhanced Reserve Fund có quy mô 3 tỷ USD của công ty quản lý quỹ Anh quốc Fidelity International phân bổ khoảng 20%, tương đương 600 triệu USD, vào trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.
Một số nhà phân tích đã khuyến nghị nhà đầu tư tranh thủ đợt bán tháo trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc gần đây để mua vào. “Ở mức hiện tại, chúng tôi cho rằng trái phiếu Trung Quốc đang khá hấp dẫn”, một báo cáo tháng 7 của Citigroup nhận định.
KHÔNG CÒN SỰ “BẢO ĐẢM NGẦM”?
Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, hàng loạt vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong 18 tháng qua là lý do khiến các nhà đầu tư phải dè chừng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc là 62,59 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 9,68 tỷ USD - con số cao nhất trong nửa đầu năm kể từ 2014, theo dữ liệu từ Fitch Ratings. Trong đó, vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp quốc doanh chiếm hơn một nửa, vào khoảng 35,65 tỷ Nhân dân tệ.
Cả năm 2020, tổng giá trị vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc là 146,77 tỷ Nhân dân tệ, so với mức chỉ 1,34 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2014 - năm không có doanh nghiệp quốc doanh nào của nước này vỡ nợ trái phiếu.
Mức vỡ nợ như vậy chưa phải là lớn so với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng một số vụ đã khiến nhà đầu tư lo sợ vì khiến họ phải thay đổi quan niệm bấy lâu rằng Bắc Kinh sẽ không để các công ty quốc doanh đổ vỡ. Điển hình là trường hợp của công ty quản lý nợ xấu Trung Quốc Huarong Asset Management Co. Thị trường đã một phen chao đảo khi Huarong không đưa ra được kết quả kinh doanh đúng thời hạn và giá trái phiếu USD của công ty này lao dốc.
Giới phân tích nói rằng những vụ như Huarong là tín hiệu cho thấy sự “bảo đảm ngầm” của Chính phủ Trung Quốc đã thay đổi vì Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện chất lượng thị trường trái phiếu, bằng cách để những công ty yếu kém tự bị loại khỏi thị trường.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc hiện nay đang hướng đến Evergrande, tập đoàn bất động sản với 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P ước tính rằng Evergrande phải thanh toán số nợ 240 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 37 tỷ USD, trong 12 tháng tới, trong đó có khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ phải thanh toán ngay trong năm nay.
Giá trái phiếu Evergrande gần đây đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi giá cổ phiếu tập đoàn này đã giảm 65% từ đầu năm. Nếu Chính phủ Trung Quốc không có động thái nào hỗ trợ Evergrande, thì đó sẽ là một tín hiệu rõ ràng rằng đối với Bắc Kinh, sẽ không có một doanh nghiệp nào được coi là “quá lớn để đổ vỡ”.