Quy hoạch tỉnh Ninh Bình: Định hướng phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi, cùng bề dày lịch sử và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, Ninh Bình đang có nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế. Với bối cảnh lập Quy hoạch Tỉnh có thêm những thuận lợi, Ninh Bình có nhiều căn cứ, cơ sở để xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển để giúp Tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.
Toàn cảnh Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung
Toàn cảnh Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung

Nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế

Chiều ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương đã chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi cùng bề dày lịch sử và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc; đặc biệt danh thắng Tràng An - tỉnh Ninh Bình được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới. Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía Nam của đất nước, là tỉnh kết nối giữa phía Bắc Trung Bộ với phía Nam Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội để kết nối lên khu vực Tây Bắc, Ninh Bình có nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế, thể hiện qua một số chỉ tiêu như: Giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,03%/năm - cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 45%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7%; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hệ thống kết cấu hạ tầng như giao thông vận tải, truyền tải điện.. đã phát triển mạnh mẽ; văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc và tiến bộ, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu chủ trì Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu chủ trì Phiên họp. Ảnh: Đức Trung

Tuy nhiên, việc phát triển của Ninh Bình thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa tạo ra bứt phá, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý; công nghiệp chưa đi vào chiều sâu về chất lượng, hiệu quả; nông nghiệp chưa được chú trọng theo hướng gia tăng về chất lượng và giá trị; nguồn nhân lực với trình độ, năng suất lao động chưa cao; tỷ lệ đô thị hóa (24,7%) đạt mức trung bình cả nước; du lịch chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế.

Để tỉnh Ninh Bình phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp Tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh yêu cầu, các ý kiến đối với Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình cần tập trung làm rõ các nhóm vấn đề gồm: Xem xét tính hợp lý và sự đảm bảo để phù hợp quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; Đánh giá phương pháp lập quy hoạch và nội dung bản quy hoạch tỉnh Ninh Bình, đặc biệt là việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch về dữ liệu địa không gian (GIS), chồng lớp bản đồ.

Đồng thời, tập trung cho ý kiến về yếu tố điều kiện đặc thù, thực trạng phát triển; những tồn tại, hạn chế cần giải quyết; tính phù hợp của các đề xuất phương án, nhất là trong bối cảnh mới, xu thế mới, mô hình kinh tế đang chuyển dịch (tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế về phát thải...)...

"Trong đó, về tầm nhìn và quan điểm phát triển, Quy hoạch Tỉnh phải thể hiện được tính đầy đủ, tính khoa học, những điểm mới, đột phá khác biệt của Ninh Bình. Vấn đề kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận xét.

Trở thành trung tâm du lịch chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao

Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng; có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đặc biệt có Quy hoạch tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông) và một số quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Ninh Bình xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn thông qua Quy hoạch Tỉnh.

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Quy hoạch Tỉnh đưa ra định hướng phát triển hiệu quả, bao trùm và bền vững, trong đó công nghiệp là ngành tạo ra động lực tăng trưởng; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện đại; phát triển kinh tế theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và gắn với giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng và trở thành một trung tâm du lịch chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao của cả nước.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Trung

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Trung

Các đột phá phát triển được tỉnh Ninh Bình nêu rõ trong Quy hoạch là: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất và các nguồn lực xã hội; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh lớn từ các thành phần kinh tế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Ngoài ra, tổ chức hợp lý không gian, phân vùng chức năng; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu. Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa, thiên nhiên. Bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyên đề