Quy hoạch tỉnh Hưng Yên: Khai thác tối ưu lợi thế giáp ranh Hà Nội và vùng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh định hướng sẽ khai thác tối ưu các lợi thế về vị trí địa lý với thành phố Hà Nội, nằm trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, các sản phẩm nông nghiệp... phục vụ vùng Thủ đô, xuất khẩu.

Phát triển có trọng tâm, dựa vào liên kết vùng

Sáng 31/8, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã tổ chức Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Đức Trung

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Đức Trung

Hưng Yên nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong hai tỉnh Bắc Bộ có địa hình hoàn toàn là đồng bằng, không có rừng, không có núi, không giáp biển; là tỉnh có lợi thế về hạ tầng giao thông, là nơi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho Hà Nội, vùng Thủ đô và cả vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Năm 2022, quy mô kinh tế của Hưng Yên đã đứng thứ 16 trong cả nước và thứ 7 trong vùng ĐBSH; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn hằng năm đạt 7,9%/năm.

Bên cạnh những lợi thế, kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho rằng, tuy quy mô GRDP lớn, nhưng GRDP đầu người của Hưng Yên vẫn ở nhóm thấp vùng ĐBSH; tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đứng thứ 6/11 trong vùng ĐBSH, chưa đạt so với kế hoạch đề ra là tăng trưởng từ 10% trở lên. Hạn chế lớn của Tỉnh là diện tích nhỏ, mật độ dân số lớn, tài nguyên khoáng sản ít. Bên cạnh đó, “độ mở” và “tính liên kết” của nền kinh tế chưa tương xứng với vị trí chiến lược nằm trên các hành lang kinh tế lớn, là vệ tinh tương hỗ, kết nối phát triển với Thủ đô Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; nguồn nhân lực trình độ, năng suất lao động thấp; quá trình xuất cư khá lớn dẫn đến hiện tượng “chảy máu chất xám”. Thu hút vốn đầu tư, bao gồm đầu tư nước ngoài (FDI), chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho thu hút đầu tư; thiếu vắng những dự án lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao. Do vậy, tiềm năng và động lực tăng trưởng trong thời gian tới là chưa thật rõ ràng.

Việc sử dụng đất chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả; tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức song hành cùng quá trình phát triển kinh tế; các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tiếp tục tăng thêm sẽ là thách thức lớn đối với vấn đề bảo vệ môi trường, tạo áp lực lớn cho hạ tầng và sự khó khăn trong việc bảm đảm anh ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc huy động các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Do đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, muốn phát triển vững mạnh, Hưng Yên cần xác định rõ được các tiềm năng riêng có, các thế mạnh khác biệt và nổi trội; đặc biệt trong bản quy hoạch lần này phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, mở rộng tầm nhìn phát triển và đưa ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa trên liên kết vùng để tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh dẫn đầu Vùng.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2037

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa

Trong những năm qua, Hưng Yên được coi là điểm sáng trong phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư và thu ngân sách nhà nước. Theo thống kê của địa phương này, giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh đã thu hút 850 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 99 nghìn tỷ đồng và trên 2,3 tỷ USD. Toàn tỉnh hiện có trên 2.100 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 260 nghìn tỷ đồng và trên 6 tỷ USD.

Hưng Yên hiện có 17 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển với tổng diện tích gần 4.400 ha. 9 KCN đã đi vào hoạt động, 8 khu đang triển khai. Chỉ trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh Hưng Yên giải phóng mặt bằng được gần 2.000 ha cho các KCN. Đã thu hút được một số dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu. Hình thành một số KCN lớn, hiện đại bậc nhất cả nước như KCN Thăng Long 2, Phố Nối A. Đã thành lập 26 CCN với diện tích trên 1.200 ha.

Thu ngân sách năm 2022 đạt 51.410 tỷ đồng. Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của Tỉnh không ngừng được quan tâm đầu tư, là một trong những khâu đột phá mạnh mẽ tạo kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng và nội Tỉnh.

Trong Quy hoạch Tỉnh thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, mục tiêu phấn đấu của Tỉnh được đặt ra trên tinh thần vươn lên trở thành tỉnh mạnh trong khu vực và cả nước; phấn đấu đến năm 2037, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Dự thảo Quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; theo hướng trở thành một đô thị thông minh, xanh, môi trường sống tốt; có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội từng bước hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; đời sống nhân dân được nâng cao; bản sắc văn hoá được bảo tồn và phát huy; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường.

Đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố thông minh, giàu đẹp, kết cấu hạ tầng hiện đại, xã hội phát triển hài hoà, có bản sắc văn hóa riêng, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

Hưng Yên chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố cơ bản (lao động chi phí thấp, tài nguyên thiên nhiên, chế biến thô) sang nền kinh tế định hướng hiệu quả (nền kinh tế có khả năng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, dựa trên lao động có kỹ năng, hiệu quả cao) trong giai đoạn 2021 - 2030 và sang nền kinh tế định hướng đổi mới sáng tạo (nền kinh tế có khả năng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo với công nghệ tiên tiến hàng đầu) trong thời kỳ 2031 - 2050.

Tạo đột phá trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn

Để hiện thực hóa các định hướng trong Quy hoạch Tỉnh, Hưng Yên đưa ra 5 quan điểm phát triển gồm: phát triển dựa vào khai thác các lợi thế về vị trí địa lý của Tỉnh; phát triển nhanh, tạo bước đột phá trên cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn, hình thành các khu chức năng quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững, bao trùm, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế; phát triển theo hướng đô thị xanh, thông minh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển hài hòa các tiểu vùng của Tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Về tổ chức không gian phát triển, Hưng Yên lựa chọn mô hình “mạng lưới” đa cực tích hợp, dựa trên cấu trúc khung phát triển gồm 2 vùng, 2 hành lang, 5 trục và 3 trung tâm.

Trong đó, phân vùng phát triển phía Bắc và phía Nam được phân định theo không gian trục đường Tỉnh lộ TL.378C kéo dài, là tuyến kết nối mới quan trọng từ nút giao Tân Phúc - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và tuyến đường cao tốc nối nút giao Lý Thường Kiệt với đường cao tốc Bắc Nam, tuyến đường “Di sản” ven sông Hồng. Vùng phát triển phía Nam là vùng phát triển đô thị - khoa học công nghệ - dịch vụ - du lịch và công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng bảo tồn, phát huy mạnh mẽ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Vùng phát triển phía Bắc là vùng phát triển đô thị - công nghiệp năng động của Tỉnh gắn với Thủ đô Hà Nội, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trục hành lang kinh tế - đô thị quan trọng quốc gia, quốc tế (Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) và cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng).

Ở 5 trục phát triển, Quy hoạch tỉnh Hưng Yên đưa ra 2 trục phát triển Bắc - Nam và 3 trục phát triển Đông - Tây gắn kết với các hành lang kinh tế quốc gia (Quốc lộ 1A, cao tốc và đường sắt Bắc - Nam; vùng phát triển phía hữu ngạn sông Hồng (Hà Nội, Hà Nam và vùng Hòa Bình, Sơn La)).

Chuyên đề