Đô thị Đà Nẵng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu khi quy hoạch các phân khu hoàn thành |
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đây là một trong những định hướng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, nguồn lực để Đà Nẵng bắt tay thực hiện kế hoạch phát triển dài hơi, bền vững hướng đến đô thị phát triển trong khu vực châu Á.
Xin ông cho biết tiến độ quy hoạch các phân khu của Đà Nẵng hiện nay?
Theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng được tổ chức theo 3 vùng đô thị đặc trưng và vùng sinh thái với 12 phân khu. Quá trình triển khai lập quy hoạch, căn cứ thực tế phát triển, điều kiện địa lý, tự nhiên, từ 12 đồ án quy hoạch phân khu, Thành phố chia thành 19 đồ án quy hoạch phân khu. Hiện nay, đã có 4 đồ án được cấp thẩm quyền phê duyệt, gồm: Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân; Ven sông Hàn và bờ Đông; Đô thị huyện lỵ Hoà Vang; Sinh thái phía Tây - khu vực phường Hoà Hiệp Bắc. 3 đồ án đã được thẩm định gồm phân khu Công nghệ cao; Đô thị Sườn đồi; Sân bay. 4 đồ án đã báo cáo xin ý kiến Thành ủy để tiến tới thẩm định gồm Đổi mới sáng tạo; Ven vịnh Đà Nẵng; Cảng biển Liên Chiểu; Trung tâm Lõi xanh. Đối với các phân khu còn lại, Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn đã căn cứ ý kiến chỉ đạo, đang nghiên cứu và sẽ báo cáo lại Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng trong thời gian sớm nhất…
Để công tác lập quy hoạch các phân khu đáp ứng tiến độ, chất lượng, bảo đảm tính lâu dài, bền vững, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các đơn vị tư vấn cẩn trọng triển khai từng bước một theo đúng quy định, lộ trình. Trong đó, có 4 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đang triển khai đồng thời với Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Đà Nẵng); Khu du lịch khu vực chân và đỉnh núi Bà Nà (đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình thẩm định); Khu du lịch khu vực hồ Đồng Nghệ; Khu du lịch khu vực sông Bắc (đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu theo ý kiến của Sở Xây dựng).
Số lượng đồ án quy hoạch lớn, khối lượng công việc đồ sộ, ông có thể chia sẻ những khó khăn trong công tác triển khai?
Quá trình triển khai các đồ án quy hoạch có những khó khăn nhất định khi phát sinh một số nội dung cần điều chỉnh cục bộ như phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, khu vực cảng Liên Chiểu và Làng Vân. Các điều chỉnh này liên quan đến quy mô dân số; mục đích sử dụng đất tại các phân khu. Ngoài ra, 6 phân khu khác cũng có nội dung phát sinh. Các hồ sơ đang được hoàn thiện để Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, phấn đấu hoàn thành phê duyệt 7 đồ án quy hoạch phân khu đô thị và 5 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng trong năm 2024.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng |
Ở quy hoạch lần này, không gian đô thị Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 có gì thay đổi so với hiện tại, thưa ông?
Tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ, định hướng phát triển không gian đô thị cơ bản giữ nguyên theo Quy hoạch chung đã được phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg (tháng 3/2021). Điểm mới là định hướng phát triển không gian đô thị huyện Hòa Vang lên tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất; đến năm 2030 thị xã Hòa Vang có dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người, tỷ lệ đô thị hóa trên 90%, trung tâm hành chính của Thị xã dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.
Bên cạnh phát huy nội lực, Thành phố đã tranh thủ hiệu quả nguồn lực từ hợp tác quốc tế. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Từ năm 2013, Đà Nẵng và Yokohama (Nhật Bản) đã hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển bền vững về thành phố kiểu mẫu trong phát triển và vận hành cảng biển, quy hoạch đô thị. Đây là địa phương tương đồng về điều kiện địa lý và định hướng phát triển như Đà Nẵng. Hơn 10 năm hợp tác, Yokohama đã chia sẻ nhiều kiến thức về phát triển đô thị, chung tay giải quyết những vấn đề hiện có của Đà Nẵng; đồng thời, phối hợp xây dựng chương trình phát triển đô thị; xây dựng Đề án Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài ra, hai bên tập trung xúc tiến, thúc đẩy tiến độ triển khai nghiên cứu hệ thống tàu điện ngầm, nghiên cứu tái thiết đô thị và xây dựng mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm), xúc tiến việc xây dựng thành phố tự nguyện trong phát triển bền vững, xúc tiến các dự án năng lượng sạch và phát triển khu công nghiệp sinh thái...
Để phối hợp triển khai các nội dung quy hoạch, đã có 12 diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng và Yokohama được tổ chức. Tại Diễn đàn lần thứ 12 diễn ra cuối tháng 12/2023, hai bên đã thảo luận về quy hoạch, định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái, quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác), phát triển đô thị thông minh, đánh giá địa phương tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (VLR) của Liên hợp quốc. Qua đó, Đà Nẵng đã đề nghị Yokohama cùng với JICA, WB, ADB tiếp tục hỗ trợ Thành phố nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm; kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác hiện đại theo hình thức xã hội hóa; giải pháp kiểm soát rác thải nhựa; quy hoạch cao độ nền thoát nước thải và thoát nước mưa, đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước, hình thành bản đồ ngập lụt... Với sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả từ chính quyền và các doanh nghiệp tại Yokohama thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, Đà Nẵng sẽ phát triển, vươn lên trở thành một điểm sáng trong mạng lưới đô thị ở châu Á.