Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ mới: Đề xuất cân đối nhu cầu để địa phương thu hút đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia (SDĐQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Tờ trình Dự thảo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữ lại một phần chỉ tiêu sử dụng đất để cân đối nhu cầu sử dụng đất cho các địa phương thu hút đầu tư trong trường hợp cần thiết.
Chính phủ tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo quỹ đất đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo quỹ đất đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước. Ảnh: Lê Tiên

Khắc phục tồn tại, bất cập

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào thu hút đầu tư, nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án; một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ (Sân bay quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học...), ảnh hưởng đến kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, việc đánh giá, dự báo nhu cầu sử dụng đất của một số công trình, dự án trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tiễn; việc xác định chỉ tiêu, quy mô diện tích một số công trình, dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn cao so với khả năng thực hiện của địa phương do thiếu những luận cứ mang tính khoa học…

Cơ quan soạn thảo cho biết, trong quá trình thực hiện phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất giai đoạn trước có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, diễn biến phức tạp hơn so với dự báo, tác động đến quy hoạch, kế hoạch và việc sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng đất khu công nghiệp, đất đô thị, đất thương mại - dịch vụ… của các địa phương tăng, giảm khác nhau.

Để đảm bảo linh hoạt, chủ động trong quá trình thực hiện giai đoạn tới, sau khi Quy hoạch SDĐQG được thông qua, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giữ lại một phần chỉ tiêu sử dụng đất để cân đối nhu cầu sử dụng đất cho các địa phương thu hút đầu tư trong trường hợp cần thiết.

Phương án quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030

Thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch và các nghị quyết của Quốc hội liên quan tới công tác quy hoạch, Chính phủ đã tổ chức lập Quy hoạch SDĐQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo quỹ đất đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Dự thảo Quy hoạch đưa ra phương án quy hoạch sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp đến năm 2030 còn 27.878,88 nghìn ha, giảm 108,69 nghìn ha so với năm 2020; nhóm đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4.784,18 nghìn ha, tăng 853,24 nghìn ha so với năm 2020.

Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng của cả nước đến năm 2030 là 299,41 nghìn ha; đất an ninh là 49,49 nghìn ha; đất khu công nghiệp là 205,80 nghìn ha, tăng 115 nghìn ha so với năm 2020. Đất khu công nghiệp bố trí tập trung tại 2 vùng (phía Bắc của vùng Đồng bằng sông Hồng và trục Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An), tập trung tại một số địa phương trên cơ sở xu hướng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cùng với đó, phương án quy hoạch đất phát triển hạ tầng toàn quốc đến năm 2030 là 1.760,04 nghìn ha, tăng 418,13 nghìn ha so với năm 2020; quy hoạch sử dụng đất giao thông đến năm 2030 là 921,88 nghìn ha (không bao gồm diện tích đất hành lang giao thông), tăng 199,48 nghìn ha so với năm 2020, để xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc (51 nghìn ha), quốc lộ (61 nghìn ha), đường sắt (3 nghìn ha), cảng biển (31 nghìn ha), cảng hàng không (12 nghìn ha).

Phương án quy hoạch sử dụng đất công trình năng lượng đến năm 2030 là 287,52 nghìn ha (bao gồm cả mặt nước công trình hồ thủy điện, không tính diện tích mặt biển), tăng 89,32 nghìn ha so với năm 2020.

Quy hoạch SDĐQG đến năm 2030 dành diện tích 4,14 nghìn ha cho 6 khu công nghệ cao; 1.645,79 nghìn ha cho 45 khu kinh tế, tăng 86,62 nghìn ha so với năm 2020 để mở rộng 2 khu kinh tế cửa khẩu, mở mới 2 khu kinh tế (Quảng Yên, Quảng Ninh; Ninh Cơ, Nam Định), đồng thời giảm diện tích 2 khu kinh tế cửa khẩu (Lệ Thanh, Gia Lai; Hà Tiên, Kiên Giang). Quy hoạch tổng diện tích đất đô thị của cả nước là 2.953,85 nghìn ha, tăng 925,78 nghìn ha so với năm 2020.

Chuyên đề