Quy hoạch mở rộng không gian theo các trục Đông - Nam, Tây - Bắc mở ra nhiều dư địa cho Quảng Ngãi thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản |
Quy hoạch theo hướng mở
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Công Hoàng, có thể hình dung quy hoạch Quảng Ngãi hiện nay đang hướng theo trục Đông - Nam, Tây - Bắc, ở giữa là đô thị lõi TP. Quảng Ngãi. Trong đó, phía Bắc đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, lấy công nghiệp, đô thị, dịch vụ làm chiến lược phát triển. Ở phía Nam, quy hoạch tổng thể theo tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, điểm cuối là đô thị, cực tăng trưởng phía Nam sẽ thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. Phía Đông quy hoạch các xã, phường thuộc các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi và đặc biệt là Lý Sơn để hiện thực hoá mở rộng đô thị về hướng biển, khai thác lợi thế mặt tiền biển. Tiến về phía Tây, các đô thị Minh Long, Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ cũng đã được định hướng quy hoạch nâng cấp thành đô thị và quy hoạch các khu vực có tiềm năng về du lịch phát triển du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh bằng suối khoáng nóng…
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho biết, TP. Quảng Ngãi đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 theo mô hình đô thị sinh thái, thông minh. Từ quy hoạch chung, TP. Quảng Ngãi đang thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 phía Đông phường Nghĩa Chánh; đô thị Nghĩa An và phân khu phía Tây phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi theo các định hướng: xây dựng trung tâm đầu mối nông sản, các trung tâm thương mại dịch vụ, khu đô thị mới; hệ thống thương mại dịch vụ hậu cần logistics; trung tâm thương mại dịch vụ...
Định hướng quy hoạch các phân khu này, theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phải xác định quy hoạch phù hợp với đồ án quy hoạch chung tỉnh Quảng Ngãi tầm nhìn đến 2050 đang được triển khai, phù hợp với quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2040 và hành động đúng với nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Bảo đảm kết nối hạ tầng kỹ thuật, xã hội một cách đồng bộ, có tính đến kết nối hạ tầng giao thông đối ngoại với đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được phê duyệt hướng tuyến; kết nối quy hoạch với trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông mà Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã bàn giao lộ giới để khai thác quỹ đất, thu hút đầu tư và phát triển đô thị.
Đầu tư hạ tầng liên kết
Để liên kết các đô thị theo chiến lược và định hướng quy hoạch, hàng loạt dự án hạ tầng đối nội và đối ngoại đã và đang được triển khai. Hiện nay, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào sử dụng, tuyến Quốc lộ 1 mở rộng xong, tuyến đường sắt đi qua, tuyến ven biển đã đầu tư từ Dung Quất đến Mỹ Khê hoàn thành cùng với cặp hạ tầng đường Trường Sa và Hoàng Sa ven sông Trà Khúc. Quảng Ngãi bắt đầu cho giai đoạn đầu tư hạ tầng mới với tuyến ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIb, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn… Đặc biệt, dự án sân bay trên đảo Lý Sơn đã được UBND Tỉnh đề nghị Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch giai đoạn tới. Quốc lộ 24, Quốc lộ 24B nối Quảng Ngãi với Tây Nguyên, Dự án Cầu Trà Khúc 3 và đường dẫn huyện Sơn Tịnh đang được đẩy mạnh đầu tư.
Hạ tầng hoàn thiện sẽ tăng tính kết nối, tạo ra dư địa lớn về quỹ đất cho Quảng Ngãi thực hiện thu hút những dự án đầu tư quy mô có tính lan tỏa. Tuy nhiên, nút thắt trong quá trình phát triển của Quảng Ngãi, theo các doanh nghiệp và chuyên gia, là công tác quy hoạch.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn: “Quảng Ngãi muốn phát triển nhanh thì phải làm quy hoạch chất lượng để Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch KKT Dung Quất tầm nhìn đến 2050. Khi điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch KKT Dung Quất đã được phê duyệt, mới có các quy hoạch phân khu, có quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án mới. Còn hiện nay, quy hoạch chưa rõ ràng sẽ làm chậm tiến độ đầu tư các dự án”.
Trên thực tế, Tập đoàn Hòa Phát đang gặp vướng mắc ở Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tổng vốn đầu tư 85 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến tháng 5/2022, Khu liên hợp sẽ được khởi công xây dựng, nhưng mặt bằng sạch để giao cho doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng. Không những vậy, theo ông Đặng Văn Minh, để có thể bàn giao mặt bằng cho Hòa Phát đầu tư, có những phần diện tích phải chờ Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Rõ ràng, dù nhà đầu tư chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiến hành khởi công xây dựng, trong đó có việc Vietcombank đã ký gói tài trợ 35 nghìn tỷ đồng cho Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, nhưng chưa thể triển khai do thiếu mặt bằng.
Không chỉ dự án trên của Hòa Phát chưa thể triển khai, hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn đã đăng ký đầu tư tại khu vực này nhưng vẫn đang ở chế độ… chờ phê duyệt quy hoạch. Đối với loại hình đô thị - công nghiệp, chỉ tính riêng VSIP đã đăng ký 3.000 ha, Tập đoàn Hòa Phát 500 ha, Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa 1.200 ha. Ở lĩnh vực công nghiệp - năng lượng, Tập đoàn Phát Đạt đăng ký 2.000 ha. Không những vậy, ở phía Nam sân bay Chu Lai, Tập đoàn Hòa Phát và Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa tiếp tục đăng ký đầu tư dự án đô thị dành cho người thu nhập thấp, đối tượng hướng đến là công nhân với diện tích 900 ha thuộc địa phận thị trấn Châu Ổ. Một “ông lớn” trong ngành bất động sản nghỉ dưỡng là Sungroup cũng đã trình lên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi Dự án Đô thị nghỉ dưỡng biển Bình Châu và sân bay Lý Sơn…
“Việc các nhà đầu tư đang quan tâm đến Quảng Ngãi, sẵn sàng “đổ” lượng lớn vốn đầu tư vào đây cho thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, quy hoạch và công bố quy hoạch đang chậm tiến độ vô hình trung khiến Quảng Ngãi để vuột đi cơ hội bắt kịp tốc độ phát triển chung của khu vực và cả nước. Quảng Ngãi cần tăng tốc đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng với tính khả thi cao và ứng dụng thực tế hiệu quả các đồ án quy hoạch điều chỉnh tỉnh Quảng Ngãi, quy hoạch điều chỉnh KKT Dung Quất…, nếu không muốn tiếp tục bị bỏ lại phía sau”, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, bên cạnh việc chủ động từ ngân sách nhà nước, Quảng Ngãi đang thực hiện xã hội hóa bằng việc tiếp nhận các nguồn kinh phí từ nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ. Trong đó có các dự án: Công viên trung tâm thành phố Quảng Ngãi mở rộng và khu vực dọc ven biển các xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi; Khu đô thị - dịch vụ Nam Châu Ổ - Bình Long, huyện Bình Sơn; Khu dân cư Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh; Khu đô thị dịch vụ hậu cần Nam sân bay Chu Lai, huyện Bình Sơn...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu