Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Ảnh: V. Thắng |
Luật Đầu tư (sửa đổi) có 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo.
Trong đó, Luật chính thức cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Trình bày báo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.
Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định rõ các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Trong đó, có dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Luật này; dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại Luật này; dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động.
Ngoài ra, đối tượng được hưởng ưu đãi còn có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Các đối tượng ưu đãi khác liên quan doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ…; Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa;... được quy định cụ thể tại Luật.
Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đối tượng ưu đãi đầu tư quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật được cập nhật phù hợp với quan điểm, định hướng, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn của Đảng và Nhà nước.
Địa bàn ưu đãi đầu tư được xác định căn cứ vào vai trò, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn, gồm địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có tác động lan tỏa (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế).
Đối tượng, ngành, nghề ưu đãi đầu tư tập trung vào doanh nghiệp công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số...
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.