Quốc hội họp toàn thể trực tuyến nghe báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Dự thảo Luật PPP và thảo luận về Dự án Luật này. Ảnh: Lê Tiên |
Thu hẹp lĩnh vực để tập trung nguồn lực
Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực để tập trung nguồn lực. 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Về quy định “nhà máy điện”, do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, cụ thể: Phương án 1, giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện)”. Phương án 2, không quy định áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực “nhà máy điện”.
UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án 1 vì chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về quy mô đầu tư dự án PPP, UBTVQH tiếp thu, bổ sung quy định theo hướng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỷ đồng.
Quy trình lựa chọn nhà đầu tư chặt chẽ
UBTVQH cho biết nhiều ý kiến thống nhất việc quy định Chương “Lựa chọn nhà đầu tư”, đồng thời đề nghị cần hướng đến đấu thầu rộng rãi, quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá về năng lực và tài chính của nhà đầu tư; thận trọng trong việc chỉ định thầu.
UBTVQH tiếp thu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể tại Chương III về Lựa chọn nhà đầu tư tại Dự Luật, tăng từ 9 điều tại Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 thành 16 điều. Các nội dung này được thiết kế dựa trên nguyên tắc chuyển những quy định liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP từ Luật Đấu thầu sang Dự án Luật PPP và sửa đổi, bổ sung những quy định đặc thù cho phù hợp với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP; đồng thời sửa đổi, bổ sung tại Điều 104 các quy định liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP hiện đang quy định tại Luật Đấu thầu. Việc tiếp thu, bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Chương này nhằm bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án, từ việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện, chuyển giao, thanh lý hợp đồng dự án PPP.
UBTVQH cho biết thêm, Dự Luật quy định rõ nguyên tắc không lựa chọn nhà đầu tư quốc tế trong trường hợp dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Đối với dự án cần bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm bí mật nhà nước. Đồng thời, quy định một trong các trường hợp hợp đồng dự án PPP phải chấm dứt trước thời hạn là trường hợp vì lợi ích quốc gia, bảo đảm về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước.
Đề nghị theo phương án chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu
Nhiều ý kiến nhất trí với cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, tuy nhiên, đề nghị quy định rõ về nguyên tắc, điều kiện chia sẻ rủi ro rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu và mức chia sẻ cụ thể.
Một số ý kiến đề nghị chỉ thực hiện chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp PPP thua lỗ, mất vốn. Đề nghị quy định rõ hơn về cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia.
Về nội dung này, do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH xin trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, cụ thể:
Phương án 1, áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Dự thảo Luật tiếp cận theo hướng xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Sụt giảm doanh thu lớn sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới dòng tiền của doanh nghiệp, có thể tác động đến khả năng trả nợ đối với bên cho vay nên cần cơ chế để xử lý ngay cho từng năm. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm quy định tại Khoản 4 Điều 84 của Dự thảo Luật.
Phương án 2, áp dụng cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi. Việc chia sẻ phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ quy định tại Khoản 2 Điều 84 Dự thảo Luật, do quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh nghiệp dự án PPP bị thua lỗ. Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần lỗ sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng hoặc nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần lãi tăng thêm sau điểm hòa vốn so với phương án tài chính tại hợp đồng nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân.
UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án 1.