Nền kinh tế toàn cầu giảm tốc và sức ép gia tăng đối với các doanh nghiệp từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài đang khiến các ngân hàng trung ương từ Nhật Bản tới Australia nghiêng về nới lỏng chính sách tiền tệ. Việc thay đổi lập trường này được xem là một "cú xoay 180%" của các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á, theo hãng tin Reuters.
Cuối năm ngoái, cuộc thảo luận ở Nhật Bản nói nhiều về mặt trái của chính sách in tiền, còn Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) thì chuẩn bị cho khả năng nâng lãi suất. Một đợt bán tháo đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đã gây áp lực lớn lên các nền kinh tế có thâm hụt cán cân vãng lai như Ấn Độ, Indonesia và Philippines, buộc các nước này phải duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ.
Nhưng ở thời điểm này, các nền kinh tế trên đều phải tính chuyện giảm lãi suất.
Đồng USD yếu đi và giá dầu hạ xuống đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi lập trường chính sách này. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là nền kinh tế Trung Quốc - đầu tàu tăng trưởng của khu vực - đang có sự khởi đầu 2019 tệ hơn dự báo. Thiểu phát (disinflation) từ Trung Quốc được nhận định sẽ xuất khẩu ra toàn bộ phần còn lại của khu vực trong năm nay.
Tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn trong vấn đề chính sách tiền tệ, phát tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt của ngân hàng trung ương này có thể đã tới hồi kết.
"Điều rõ ràng đang xảy ra là các ngân hàng trung ương đang nghĩ lại về chính sách tiền tệ", ông Piyush Gupta, Tổng giám đốc (CEO) của DBS Group Holdings ở Singapore, nhận định.
Ngoại trừ Philippines, quốc gia đang chứng kiến tốc độ lạm phát suy giảm nhanh chóng, tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu Á đều đang có mức lạm phát ở cận dưới, hoặc thậm chí thấp hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương. Ở Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, tốc độ tăng giá hiện đều đang dưới mức 1%.
"Áp lực tăng giá cả đang rất yếu, và giảm trên diện rộng", ông Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á thuộc HSBC, nhận định. "Vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ vì thế càng trở nên cấp bách hơn, cho dù nới lỏng có thể chưa đủ để đẩy tăng trưởng kinh tế đi lên".
Hôm thứ Ba, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda nói BoJ sẵn sàng tăng cường chính sách kích cầu nếu đồng Yên tăng giá mạnh gây tổn hại tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giá cả.
Cùng ngày, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP), ông Diwa Guinigundo, nói rằng BSP sẽ hành động nhanh chóng nếu các điều kiện thanh khoản không đủ để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Năm ngoái, Philippines đã có 5 lần nâng lãi suất.
Đầu tháng này, RBA chuyển sang lập trường trung lập, từ chỗ nghiêng về thắt chặt trước đó. Tuy nhiên, giới phân tích đang dự báo RBA sắp giảm lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất vào tháng 2 và các chuyên gia dự báo nước này sắp có thêm một đợt hạ lãi suất nữa.
Trong số 3 nền kinh tế có thâm hụt cán cân vãng lai đề cập ở trên, Indonesia là nước duy nhất mà giới quan sát không kỳ vọng nhiều vào sự đảo ngược chính sách sau 6 lần tăng lãi suất trong năm ngoái. Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đang tập trung vào nhiệm vụ ổn định tỷ giá.
Ở thời điểm này, số lần cắt giảm lãi suất của các nền kinh tế châu Á sẽ tùy thuộc vào diễn biến kinh tế Trung Quốc, liệu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có được giải quyết và các biện pháp kích cầu của Bắc Kinh thành công tới mức độ nào.
Hồi tháng 1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm 1 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, và giới phân tích dự báo PBoC sẽ hạ tỷ lệ này thêm 1,5 điểm phần trăm nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm, bên cạnh các biện pháp kích cầu bằng tài khóa dự kiến được đưa ra trong tháng 3.
Một số chuyên gia thậm chí dự báo PBoC sẽ có một đợt hạ lãi suất, nhưng một động thái như vậy sẽ là biện pháp cuối cùng bởi hạ lãi suất có thể gây sức ép giảm giá đồng Nhân dân tệ và làm gia tăng rủi ro đối với khối nợ lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.