Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị - Ảnh: VGP |
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết năm 2017, tỉnh có 22/22 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2017 đạt 17.585,29 tỷ đồng, tăng 7,03% so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người 39,4 triệu đồng, tăng 5,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 6%. Tổng chi ngân sách 7.925,656 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016.
Đến nay tại các KCN, KKT có 134 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 20.250 tỷ đồng, trong đó 89 dự án đã đi vào hoạt động.
Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,5%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 29%. An sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và thực hiện chế độ chính sách đối với thương, bệnh binh, người có công, gia đình liệt sĩ, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn luôn được quan tâm. Năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,97%, từ 13,49% xuống còn 11,52%.
Tuy nhiên, nhìn chung Quảng Trị vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô nền kinh tế nhỏ, chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Quảng Trị chưa hình thành được vùng kinh tế động lực. Nguồn vốn đầu tư từ NSNN phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Trung ương. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Hùng bày tỏ Quảng Trị rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương để xây dựng những cơ chế chính sách, cũng như thu hút nguồn lực để tận dụng được tiềm năng, lợi thế vốn có.
Đơn cử, địa phương này có vị trí chiến lược và quan trọng, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia về đường bộ, đường sắt Bắc-Nam và đường biển; tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đặc biệt Quảng Trị là điểm đầu, điểm kết nối Thái Bình Dương tới Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC).
Quảng Trị là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển với diện tích lớn với mức độ tập trung cao, không bị manh mún, chia cắt, hầu như không có tranh chấp, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện để đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn từ 300 ha trở lên; phục vụ các dự án tổ hợp du lịch, sân golf cao cấp; các dự án đầu tư khu công nghiệp; cảng biển, logistics; điện gió, năng lượng; phát triển đô thị quy mô lớn hiện đại..
Phó Thủ tướng đánh giá dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Trị đã đoàn kết nỗ lực, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều vượt so với kế hoạch. Tỉnh có nhiều sáng tạo trong vận dụng cơ chế chính sách phát triển kinh tế, như định hướng phát triển nông nghiệp sạch, năng lượng sạch, thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn bằng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi. Đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp trao đổi và yêu cầu lãnh đạo các Bộ VHTT&DL, GD&ĐT, LĐTB&XH, Y tế… giải đáp các kiến nghị của Quảng Trị về những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Cụ thể như các kiến nghị đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục chế các di tích lịch sử; phát triển một số khu du lịch quốc gia, phát triển hạ tầng du lịch nhất là cơ sở hạ tầng du lịch biển, đảo nhằm tạo cú hích mạnh mẽ để tăng tốc phát triển du lịch tương xứng với lợi thế và tiềm năng vốn có; kiến nghị liên quan đến việc phối hợp với các bộ, ngành triển khai sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị giáo dục sự nghiệp công lập phù hợp với đào tạo nguồn nhân lực hiện nay, trong đó có hợp tác liên kết đào tạo quốc tế...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viếng Di tích Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: VGP