Khai thác cầm chừng là một trong những nguyên nhân khiến cát trên địa bàn Quảng Nam khan hiếm, giá tăng cao. Ảnh: Hà Minh |
Ông Trần Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng, đại diện Liên danh nhà thầu Thanh Tùng - Thái Dương thi công Dự án Đường tỉnh 609C đến Quốc lộ 14B trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khẳng định, hiện không có cát chứ không phải là thiếu nữa. “Có một số mỏ cát đang khai thác nhưng mạnh ai nấy mua. Dù mua tại mỏ khai thác nhưng đơn vị cung ứng không xuất hoá đơn nên Nhà thầu chẳng dại gì mua”.
Theo ông Thắng, thời điểm này, Nhà thầu thi công hạng mục cầu qua sông Vu Gia, công tác bê tông cần khối lượng cát lớn nhưng không có nguồn nên cho công nhân làm cầm chừng. Thiếu đất đắp nền, không có cát xây dựng, cộng thêm mặt bằng bị vướng nên có việc gì làm việc đó.
Điều làm nản lòng các nhà thầu, theo ông Thắng, là giá vật liệu tăng gấp 3 lần so với năm 2022 nên càng làm càng lỗ. Theo tính toán ban đầu của Liên danh nhà thầu Thanh Tùng - Thái Dương, việc thi công công trình lỗ từ 30 - 40% trên tổng giá trị gói thầu”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Đinh Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến - nhà thầu đang thi công Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công), lo lắng tiến độ Gói thầu Thi công xây lắp có nguy cơ tiếp tục chậm do thiếu đất đắp nền. Trước đó, gói thầu này dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2022 nhưng chậm tiến độ do vướng mặt bằng. “Theo kế hoạch, ngày 21/4 tới, Dự án đường Võ Chí Công sẽ hoàn thành, nhưng Nhà thầu đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn cung đất đắp nền. Để duy trì tiến độ, Nhà thầu đã đề nghị và được Chủ đầu tư cho phép dùng đá cấp phối (k98) thay đất nền (k95) để thi công nền. Tuy nhiên, hạng mục vỉa hè, gờ chắn, cống thoát nước… cần lượng cát lớn để tiến hành công tác bê tông nhưng chưa có nên tiến độ Dự án chắc chắn lại bị chậm”, ông Trí cho biết.
Tình trạng thiếu cát càng thể hiện rõ hơn tại các dự án dân dụng và công nghiệp. Trước Tết Nguyên đán, một nhà thầu chuyên xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tại Đà Nẵng trúng 3 gói thầu lớn tại Quảng Nam, trong đó có 2 gói thầu xây khách sạn và bệnh viện. Theo kế hoạch xây dựng, nguồn cát sẽ được lấy tại các mỏ khu vực huyện Đại Lộc, Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam, nhưng hiện các mỏ này đã “cửa đóng then cài”.
Trong khi chờ các mỏ cát khởi động lại, Nhà thầu liên hệ với đầu mối cung ứng tại Quảng Ngãi nhưng việc vận chuyển rất khó khăn. “Đường vận chuyển xa, phát sinh phí “cầu phà”, giá cát của đơn vị trúng đấu giá mỏ cát tại Quảng Ngãi quá cao thành thử phương án này cũng khó khả thi. Với thực tế này, Nhà thầu cầm chắc lỗ, có nguy cơ phá sản”, đại diện Nhà thầu lo lắng.
Nhằm tìm hướng tháo gỡ tình trạng khan hiếm vật liệu, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam vừa gặp gỡ đại diện 50 doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khai tác, cung ứng vật liệu. Các doanh nghiệp này “kêu” khó có được giấy phép khai thác, tiếp quá nhiều cuộc thanh tra, khó giải phóng mặt bằng, mỗi mét vuông đất khai thác tốn quá nhiều chi phí...
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, trật tự sẽ được thiết lập, không thể để vật liệu đất, đá, cát phải gánh thêm các chi phí không chính thức, tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp khai thác, cung ứng vật liệu. Tuy nhiên, để chung tay tháo gỡ, chính quyền đề nghị doanh nghiệp hỗ trợ bình ổn thị trường, không bắt tay nhau “găm” hàng, “thổi” giá, thống trị điều phối thị trường; niêm yết công khai giá bán tại khu vực khai thác, bán đúng giá niêm yết, xuất đầy đủ hóa đơn; khai thác đúng công suất được cấp phép. “Không được khai thác cầm chừng gây khan hiếm vật liệu xây dựng, nhưng cũng không khai thác vượt công suất đã cho phép. Doanh nghiệp phải gửi thông báo giá niêm yết về cơ quan thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương nơi khai thác khoáng sản. Các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bình ổn thị trường”, ông Nguyễn Hồng Quang nói.