Ảnh minh họa |
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, đời sống xã hội toàn dân nói chung. Trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc là yếu tố quan trọng đóng vai trò định danh đối tượng cần truy xuất, giúp liên kết dữ liệu và truy cứu thông tin truy xuất trong suốt chuỗi cung ứng.
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, tuy nhiên, hoạt động này đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng Tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, hoạt động truy xuất nguồn gốc và áp dụng tem truy xuất nguồn gốc hiện còn tồn tại một số vấn đề khó khăn, bất cập, cụ thể: Truy xuất nguồn gốc mới chỉ tập trung áp dụng ở một số sản phẩm và một số địa phương, thị trường lớn. Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia với các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống; có hiện tượng “không xác định được tem truy xuất nguồn gốc” trên thị trường.
Bên cạnh đó, suy giảm sự quan tâm và lo ngại chất lượng sản phẩm không đúng như thông tin truy xuất. Người tiêu dùng chưa hiểu đúng giá trị cũng như nguyên lý của Tem truy xuất nguồn gốc, bên cạnh đó người tiêu dùng chưa quen với việc cài đặt, sử dụng ứng dụng thiết bị di động để quét tra cứu thông tin truy xuất nguồn gốc.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên nhân của các bất cập, hạn chế là do việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc mới chỉ triển khai thí điểm ở một số địa phương và thị trường lớn (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…), chưa có quy định, hướng dẫn thống nhất của các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan. Tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm hiện nay không được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, người tiêu dùng không thể phân biệt giữa tem truy xuất nguồn gốc với các loại dấu hiệu nhãn khác.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tự nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam hiện nay thường không có khả năng tham gia vào hệ thống truy xuất nguồn gốc khác là do các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại thường sử dụng các mã phân định có cấu trúc tự đặt chỉ có giá trị phân định trong phạm vi nội bộ, mà không sử dụng các hệ thống mã phân định toàn cầu. Ngoài ra, do không có sự quản lý và điều phối chung về cấu trúc mã phân định nên rất dễ xảy ra trường hợp trùng mã giữa các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác nhau…
Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia
Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất xây dựng Đề án tổng thể về triển khai, áp dụng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc với mục tiêu cụ thể là: Triển khai thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với 3 nhóm sản phẩm, hàng hoá trong nước: 1- Nhóm các sản phẩm y tế; 2- Nhóm sản phẩm nông sản thực phẩm; 3- Nhóm sản phẩm công nghiệp nhẹ.
Bên cạnh đó, xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và vận hành sử dụng. Nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, lập kế hoạch thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến người dân và các đối tượng thuộc mọi thành phần tham gia kinh doanh, cơ quan nhà nước có chức năng quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá về hoạt động truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chủ động áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dự thảo đề xuất 6 nhiệm vụ của Đề án là: 1- Thúc đẩy các bên tham gia truy xuất xây dựng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc có khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu truy xuất với các bên tham gia truy xuất khác trong chuỗi cung ứng; 2- Tăng cường quản lý và thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc; 3-Tổ chức thực hiện việc áp dụng tem truy xuất nguồn gốc đối với nhóm đối tượng trọng điểm; 4- Xây dựng và triển khai biện pháp quản lý áp dụng tem truy xuất nguồn gốc; 5- Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; 6- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, tuyên truyền và hợp tác quốc tế về truy xuất nguồn gốc, tem truy xuất nguồn gốc.