Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đáng giá cao Báo cáo về nguy cơ ATTP ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: VGP |
Đây là nhận xét của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), tại lễ công bố Báo cáo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam” (Báo cáo), do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 27/3.
Theo Phó Thủ tướng, trong một vài năm gần đây, tình hình ATTP tại Việt Nam là vấn đề nóng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và rất cần có những nghiên cứu đầy đủ, cụ thể, khách quan, nhiều chiều để đi đến một giải pháp hiệu quả đối với vấn đề ATTP ở Việt Nam.
“Việc các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới tiến hành nghiên cứu, phân tích, so sánh, đưa ra kiến nghị về vấn đề ATTP tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Việt Nam hoan nghênh, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến hết sức thẳng thắn của các bạn”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định sau khi Báo cáo được công bố, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới có những hoạt động cụ thể hơn, trước hết là để những khuyến nghị của Báo cáo được lan tỏa đến mọi người dân, xã hội.
Góc nhìn khác về ATTP ở Việt Nam
Kết quả báo cáo cho thấy ATTP đang là mối quan tâm lớn đối với công chúng với mức độ lo ngại ngày càng tăng mỗi khi xảy ra vấn đề liên quan đến ATTP.
Người tiêu dùng có xu hướng quan tâm, lo lắng nhiều đối với thực phẩm nhiễm bẩn hóa chất và độc tố hơn là với các nguy cơ từ nhiễm vi sinh vật. Tuy nhiên, nghiên cứu của các chuyên gia từ WB cho thấy nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật, chứ chưa phải do tồn dư hóa chất.
Đáng chú ý, dù các kết quả nghiên cứu có vẻ như vấn đề ATTP ở Việt Nam đáng báo động, nhưng thực tế có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học để đánh giá đúng gánh nặng bệnh tật do mất ATTP gây ra.
Các chuyên gia của WB đã nghiên cứu chuỗi giá trị thịt lợn, rau cung cấp cho Hà Nội và TPHCM và thấy rằng 80% thịt lợn, 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ truyền thống, những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị này; 76 % thịt lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh kém. Cùng với đó là thói quen của người tiêu dùng thích dùng các sản phẩm tươi sống và hầu hết không bảo quản thực phẩm trong một thời gian dài…
Báo cáo đưa ra nhận xét: “Ở Việt Nam, các hộ gia đình thường rửa rau, quả, thịt rất cẩn thận trước khi chế biến và tiêu thụ. Tuy nhiên, các dữ liệu nghiên cứu gần đây và các thông tin có sẵn chỉ ra rằng mối nguy sinh học (do vệ sinh kém, nhiễm bẩn, ô nhiễm chéo, thói quen xấu) có khả năng gây tác động tới sức khỏe nhiều nhất”.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp cũng là một thách thức không nhỏ.
Đánh giá hệ thống pháp luật về VSATTP, Báo cáo cho rằng Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý hiện đại nhưng trên thực tế, hiệu lực, hiệu quả trong triển khai các cơ chế, chính sách quản lý ATTP ở Việt Nam chưa như mong muốn.
Trong các khuyến nghị được đưa ra, nhóm chuyên gia WB nhấn mạnh mối quan tâm, lo lắng của cộng đồng đối với ATTP là một vấn đề quan trọng và có thể sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu Chính phủ không có những hành động kịp thời. Vì vậy, vai trò của truyền thông đúng về các nguy cơ, rủi ro ATTP là rất quan trọng nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất cũng như cơ quan quản lý; hướng dẫn và giải đáp đầy đủ, công khai về các vấn đề, sự cố ATTP; định hướng người tiêu dùng quyết định mua thực phẩm theo cách tích cực…
Báo cáo lưu ý việc hầu hết thực phẩm tươi sống được bán ở các chợ và thường chỉ qua sơ chế cho thấy chuỗi giá trị thực phẩm ở Việt Nam có thời gian ngắn, do vậy có thể thực hiện những giải pháp khắc phục có hiệu quả ngay như: Áp dụng các thực hành tốt trong sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; thay đổi thói quen chế biến, tiêu dùng thực phẩm; truy xuất nguồn gốc; phát triển các công nghệ và quy trình xét nghiệm nhanh đối với thực phẩm…
Về lâu dài, Báo cáo đề nghị cần không ngừng củng cố hệ thống chăn nuôi sản xuất theo hướng quy mô lớn, thực hành tốt; kiểm soát chặt chất lượng “đầu vào”… Cùng với đó cần xây dựng hệ thống đánh giá, quản lý nguy cơ, rủi ro về ATTP qua việc tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát ATTP quốc gia, nâng cao công tác quản lý số liệu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp bằng chứng về các nguy cơ ATTP là cơ sở ra các quyết định liên quan đến vấn đề này.
“Không có một biện pháp đơn lẻ nào để giải quyết được mọi vấn đề an toàn thực phẩm. Kinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều phương án thử nghiệm dược phối hợp với nhau đúng cách sẽ góp phần từng bước cải thiện mức độ bảo đảm ATTP”, Báo cáo nhấn mạnh.
Ảnh: VGP
“Điểm đặc biệt” trong bảo đảm ATTP ở Việt Nam
Đánh giá cao những khuyến nghị của WB, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi thêm với các chuyên gia về mối quan tâm của người dân Việt Nam đối với vấn đề ATTP đòi hỏi phải có số liệu, bằng chứng thuyết phục rõ ràng và những giải pháp xử lý mạnh tay, quyết liệt, nhất là ở cấp cơ sở xã, phường.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một nước xuất khẩu nông nghiệp lớn. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang phần lớn các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, EU, Mỹ, nếu bảo đảm VSATTP ở quy mô sản xuất lớn mà không tốt thì không thể xuất khẩu được. Vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là liên quan tới thực phẩm tiêu dùng trong nước, trong đó phần nhiều do các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cung cấp.
Đây là “điểm đặc biệt” trong bảo đảm ATTP ở Việt Nam và các giải pháp đã tập trung chủ yếu vào khu vực này. Trong đó, một mặt cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng mặt khác tuyên truyền, vận động nhân dân, để mỗi người phải có ý thức tuân thủ pháp luật về sản xuất, chế biến, cung cấp các thực phẩm an toàn; tuyên truyền về luân lý, đạo đức trong sản xuất, kinh doanh.
Dẫn lại câu tục ngữ “Trăm nghe không bằng một thấy” của người Việt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh sự cần thiết đưa ra các bằng chứng trong vấn đề VSATTP bởi nếu “thông tin không có bằng chứng cụ thể sẽ dễ gây tâm lý hoảng loạn hoặc không tin tưởng vào các giải pháp đã đưa ra”.
“Chúng ta không thể đơn thuần nói có bao nhiêu phần trăm thực phẩm không an toàn mà phải có máy móc, đo lường, khảo sát để chỉ cho người dân thấy nếu không sẽ có nghi ngờ liệu có phải tất cả thực phẩm đều nhiễm bẩn hay không”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị cần có cơ chế để tất cả các phòng thí nghiệm (không phân biệt Nhà nước hay tư nhân) tham gia vào xét nghiệm thực phẩm.
Bình luận về khuyến nghị của Báo cáo nhấn mạnh đến tập trung kiểm soát chất lượng “đầu vào” của chuỗi giá trị thực phẩm, Phó Thủ tướng cho rằng về lý thuyết điều này là hoàn toàn đúng nhưng trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay cần phải có những bước có tính thời điểm nhưng rất quan trọng là kiểm tra “đầu ra”, thậm chí có những phương tiện lưu động để kiểm tra nhanh ngay tại các chợ, để người dân biết và có thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Đồng tình với nhận định được nêu trong Báo cáo về trong việc phân biệt thực phẩm nhiễm vi sinh vật và nhiễm hóa chất, Phó Thủ tướng cho rằng sản xuất, chế biến, cung ứng theo chuỗi, quy mô lớn với sự liên kết giữa DN và nông dân sẽ khắc phục được vấn đề này. Ngoài ra, quản lý theo chuỗi cũng đã được quy định rất rõ trong Luật ATTP với việc phân công mỗi bộ (Y tế, NN&PTNT, Công Thương) quản lý một số nhóm mặt hàng thực phẩm từ khâu đầu cho đến khâu cuối theo đúng cách tiếp cận quốc tế.
Với đặc điểm của Việt Nam, với hệ thống luật pháp đã tương đối đầy đủ tốt và đúng hướng, đúng xu thế, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng nhất là tăng cường năng lực thực thi không chỉ ở cấp Trung ương và cấp tỉnh mà nhất là cấp cơ sở. Bởi quy mô sản xuất, cung ứng thực phẩm tiêu dùng nội địa vẫn nhỏ lẻ nên chỉ những người ở tận xã, phường “mới biết cụ thể, tường tận ở chỗ mình như thế nào”, vận động bà con, nông dân ra sao.
“Những vấn đề ATTP Việt Nam đang gặp phải đã xảy ra ở các nước với mức độ khác nhau. Có những bài học rất thành công để giải quyết hoặc do không theo đúng quy luật nên vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Cách tiếp cận, hướng đi của Việt Nam trong công tác VSATTP đã đúng. Quan trọng là phải tăng cường năng lực thực hiện nhằm vào một số khâu, việc trọng điểm trong thời điểm hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.