Phối hợp chặt chẽ trong lập quy hoạch các tỉnh Đông Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khu vực Đông Bắc được đánh giá là tiểu vùng có tốc độ triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tốt nhất. Để đẩy nhanh hơn công tác này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương đề nghị, các địa phương cần bảo đảm tiến độ, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đồng bộ với quy hoạch tỉnh, mang lại hiệu quả cao nhất.
Khu vực Đông Bắc giữ vị trí đặc biệt quan trọng với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh... Ảnh: Lê Tiên
Khu vực Đông Bắc giữ vị trí đặc biệt quan trọng với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh... Ảnh: Lê Tiên

Khu vực Đông Bắc là “địa đầu” của Tổ quốc, cửa ngõ phía Đông của Việt Nam với các nước Đông Bắc Á và thế giới. Vì vậy, tiểu vùng Đông Bắc giữ vị trí đặc biệt quan trọng với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng và an ninh.

Theo Khung định hướng quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (gọi tắt là Khung định hướng) đang được Bộ KH&ĐT dự thảo, quan điểm phát triển vùng hướng tới phát triển bền vững, cân bằng, hài hòa giữa các khu vực. Coi trọng liên kết phát triển nội vùng và liên vùng, mở rộng các quan hệ hợp tác xuyên biên giới để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh biên giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT) thông tin, trong các quy hoạch quốc gia ngành GTVT, định hướng phát triển hạ tầng giao thông của vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ gắn liền với các trụ cột kinh tế tiềm năng, đó là kinh tế cửa khẩu, du lịch, khu công nghiệp và nông nghiệp giá trị cao. Cùng với đó, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, cấp bách có tính kết nối, là động lực lan tỏa cho cả vùng. Nguồn lực cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông được lấy từ “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền để các địa phương tham gia đầu tư hạ tầng quốc gia.

Theo ông Phạm Xuân Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong định hướng phát triển khu vực Đông Bắc, việc phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với củng cố các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn; phát triển lâm nghiệp đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; rừng sản xuất, trồng rừng nguyên liệu và chế biến, thương mại lâm sản từ rừng… là những nội dung được ưu tiên, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng khoảng 57,4% vào năm 2030, duy trì ổn định đến năm 2050.

Theo Khung định hướng quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc (gọi tắt là Khung định hướng) đang được Bộ KH&ĐT dự thảo, quan điểm phát triển vùng hướng tới phát triển bền vững, cân bằng, hài hòa giữa các khu vực. Coi trọng liên kết phát triển nội vùng và liên vùng, mở rộng các quan hệ hợp tác xuyên biên giới để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh biên giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Chia sẻ về tiến độ thực hiện xây dựng các quy hoạch tỉnh, Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, 2 trong số 7 tỉnh tại khu vực Đông Bắc đã lập xong quy hoạch.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn xây dựng quy hoạch tỉnh dựa trên 4 chương trình lớn của địa phương được định hướng tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050 xoay quanh phát triển kinh tế cửa khẩu, du lịch, phát triển công nghiệp… Các định hướng này xuất phát từ lợi thế địa phương có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và các cặp chợ đường biên; phát triển du lịch gắn với Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn; tập trung phát triển hạ tầng giao thông, phát triển vùng công nghiệp (Hữu Lũng) và triển khai kết nối giao thông nội vùng và sang Quảng Ninh…

Đại diện tỉnh Bắc Cạn cho biết, trong định hướng phát triển của địa phương, Bắc Cạn đề xuất có các trục đường bộ kết nối ngang vùng, có thêm tuyến đường sắt từ ga Quán Triều (Thái Nguyên) kéo dài thêm khoảng 30 km tới Chợ Mới (Bắc Cạn) để kết nối với các trung tâm đầu mối lớn như Hà Nội, Quảng Ninh…, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa lâm sản, khoáng sản thô. Đặc biệt, Bắc Cạn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến khoáng sản, trong đó kim loại màu là trọng tâm dựa trên lợi thế về trữ lượng khoáng sản số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ KH&ĐT và 7 tỉnh khu vực Đông Bắc về công tác quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc coi công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Bắc Giang cung cấp đầy đủ hồ sơ phục vụ công tác rà soát quy hoạch, khẩn trương phối hợp hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyên Quang khẩn trương tiếp thu ý kiến tham gia, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh trình Hội đồng thẩm định. 5 địa phương còn lại đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh. Các tỉnh có thể tham khảo kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc chỉ đạo phối, kết hợp giữa các sở, ngành và huyện thị, thành phố trong công tác lập quy hoạch, bảo đảm quy hoạch tỉnh đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với tất cả các sở, ngành tại địa phương trong thời kỳ quy hoạch.

Chuyên đề