Phố Wall "ngập" sắc xanh sau biên bản cuộc họp của Fed

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 6/7 đóng cửa tăng điểm khi các nhà đầu tư yên tâm hơn khi những manh mối mới về cách tiếp cận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với chính sách lãi suất và cuộc chiến lạm phát được nêu chi tiết trong biên bản cuộc họp mới nhất...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters

Sau nửa đầu năm với những đợt bán tháo dữ đội trên thị trường chứng khoán toàn cầu, giới đầu tư đang theo dõi sát sao động thái của các ngân hàng trung ương trước những tác động của lạm phát tới tăng trưởng toàn cầu.

Các nhà đầu tư đã có được thông tin mới nhất mình cần vào chiều ngày 6/7 (giờ Mỹ) khi biên bản cuộc họp ngày 14-15/6 của Fed được công bố, trong đó nêu chi tiết việc ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa ra quyết định có bước điều chỉnh nâng lãi suất mạnh như thế nào.

Theo Reuters, biên bản này cho thấy các quan chức Mỹ nhất trí quan điểm rằng triển vọng lạm phát đang xấu đi và bày tỏ lo ngại về sự mất niềm tin vào khả năng ngăn chặn lạm phát của Fed.

Động thái nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Fed sau cuộc họp tháng 6 là lần tăng lãi suất đầu tiên ở mức này kể từ năm 1994. Theo biên bản cuộc họp, các quan chức đánh giá việc điều chỉnh tăng lãi suất thêm 50 hoặc 70 điểm cơ bản sẽ là phù hợp vào cuộc họp chính sách vào ngày 26-27/7.

Trước khi biên bản cuộc họp trên được công bố, các nhà đầu tư cho rằng việc tăng lãi suất 50 hay 70 điểm vẫn đang được cân nhắc cho thấy Fed thừa nhận tác động của các đợt tăng lãi suất với nền kinh tế.

Biên bản cũng cho thấy sự lo ngại của các quan chức tham gia cuộc họp về việc tăng lãi suất có tác động “lớn hơn dự kiến” đối với tăng trưởng kinh tế.

“Nếu tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, mức lãi suất sau tăng là 3%, còn tăng 75 điểm cơ bản thì mức lãi suất co nhất là 3,25% hoặc 3,5%. Ở mức 3,5% hoặc hơn, khả năng xảy ra suy thoái là khoảng 50%”, Jason Pride, giám đốc đầu tư về tài sản cá nhân tại Glenmede, phân tích.

Trước khi biên bản cuộc họp được công bố lúc 14h00, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều diễn biến giằng co nhưng sau đó tăng điểm vào cuối phiên.

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 69,98 điểm, tương đương 0,23%, lên 31.037,68 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 13,69 điểm và 39,61 điểm lên 3.845,08 điểm và 11.361,85 điểm. Mức tăng của hai chỉ số này lần lượt là 0,36% và 0,35%.

Tám trong số 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P đều đóng cửa tăng điểm với nhóm tiện tích và công nghệ tăng mạnh nhất. Nhóm ngành có mức giảm mạnh nhất là cổ phiếu năng lượng khi sụt 1,7% do giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất 12 tuần trước những lo ngại về suy thoái kinh tế.

Dù nhóm ngành tăng điểm mạnh, một số cổ phiếu công nghệ như Uber và DoorDash lao dốc, giảm lần lượt 4,5% và 7,4% sau khi hãng thương mại điện tử Amazon đồng ý mua lại 2% cổ phần tại Grubhub – nền tảng giao thực phẩm thuộc sở hữu của Just Eat Takeaway.com.

Cổ phiếu Rivian tăng 10,4% sau khi doanh số xe điện của hãng này tăng gần gấp 4 lần nhờ sản lượng được đẩy mạnh.

Khối lượng giao dịch trên các sàn của Mỹ đạt 11,31 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức bình quân 13,07 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.

Giá dầu tiếp tục giằng co để giữ ở mốc trên 100 USD/thùng sau khi sụt xuống mức thấp nhất 12 tuần vào đầu phiên 6/7. Chốt phiên, giá dầu thô Brent giảm 2,3% xuống mức 100,4 USD/thùng. Phiên trước đó, giá dầu Brent giảm tới hơn 9% so lo ngại về gián đoạn nguồn cung vì biểu tình ở Na Uy và chiến tranh Ukraine.

Chỉ số Đôla, theo dõi đồng USD so với rổ 6 tiền tệ lớn, tăng vượt 107, trong khi đó, đồng Euro giảm xuống mức dưới 1,02 USD đổi một Euro. Đây là lần đầu tiên cả hai tiền tệ này chạm các mức này kể từ tháng 12/2002.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất 5 tuần trong phiên ngày 6/7, trong khi các phần chính của đường cong lợi suất vẫn tiếp tục ở trạng thái đảo ngược – dấy lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc suy thoái.

Phần đường cong lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã chạm mức âm 4 điểm cơ bản, sau khi có lần đảo ngược đầu tiên trong 3 tuần vào phiên ngày 5/7. Đây được xem là một dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong 1-2 năm tới.

Trong khi đó, phần đường cong lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm và 5 năm vẫn tiếp tục đảo ngược, sau khi có lần đảo ngược đầu tiên kể từ tháng 2/2020 trong phiên 5/7.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở 2,931%, giảm từ 3,497% hôm 14/6 – mức cao nhất kể từ tháng 4/2011.

“Khả năng nền kinh tế Mỹ có thể ‘hạ cánh mềm’ đã giảm đi đáng kể”, ông August Hatecke, đồng giám đốc UBS Wealth Management châu Á Thái Bình Dương, nhận định tại một sự kiện ở Singapore.

Chuyên đề