Phố Wall lao dốc dù Fed hạ lãi suất

Lần giảm lãi suất này của Fed khiến nhà đầu tư thấy bất an hơn là yên tâm, kéo các chỉ số chính của Phố Wall lao dốc phiên 3/3.
Diễn biến chứng khoán Mỹ phiên giao dịch 3/3. Ảnh:Reuters
Diễn biến chứng khoán Mỹ phiên giao dịch 3/3. Ảnh:Reuters

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đã có một phiên giao dịch diễn biến phức tạp. Thị trường bật tăng hơn 1% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố giảm lãi suất khẩn cấp, nhưng ngay sau đó đã đảo chiều giảm mạnh.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 786 điểm, tương đương gần 3%, xuống 25.917 điểm, dù trước đó chỉ số này có thời điểm tăng hơn 300 điểm.

S&P 500 giảm 2,8% xuống gần ngưỡng 3.000 điểm, còn Nasdaq Composite đóng cửa thấp hơn 3% còn 8.684 điểm.

Trong khi nhà đầu tư tháo chạy khỏi chứng khoán, những tài sản "mang tính trú ẩn" như trái phiếu kho bạc Mỹ và vàng trở thành điểm đến. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm xác lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên xuống dưới 1%. Trong khi đó, vàng đã tăng 2,9% lên ngưỡng 1.644,4 USD mỗi ounce.

Biến động này khiến giá cổ phiếu các ngân hàng đều lao đốc. Cổ phiếu của Bank of America giảm hơn 5,5%, trong khi của JPMorgan Chase và Citigroup đều giảm 3,8%.

Các nhà đầu tư lo ngại về khả năng suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra khi Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới. Hơn 89.000 trường hợp nhiễm nCoV đã được xác nhận trên toàn cầu cùng với hơn 3.000 người tử vong.

Nhằm đối phó các rủi ro vì Covid-19, Fed vừa hạ lãi suất khẩn cấp, điều chưa từng xảy ra từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Quyết định giảm lãi suất tham chiếu 0,5% được cơ quan này đưa ra hai tuần trước cuộc họp định kỳ do cảm thấy cần phải hành động nhanh hơn để đối phó với tác động của Covid-19 đến kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những đánh giá sau quyết định này của Chủ tịch Fed Jerome Powell khiến giới đầu tư cảm thấy bất an hơn là tâm trạng tích cực.

Chủ tịch Fed cho biết cơ quan này sẽ không sử dụng bất kỳ công cụ bổ sung nào khác để thúc đẩy nền kinh tế ngoài việc cắt giảm lãi suất, đồng thời cũng thừa nhận có những giới hạn về khả năng hỗ trợ của chính sách. Theo giới phân tích, điều này có thể đã làm Phố Wall thất vọng, khi những nhà đầu tư đang mong đợi những hành động quyết liệt hơn.

"Tình hình kinh tế càng tồi tệ, càng có nhiều khả năng sẽ có các gói hỗ trợ tài chính và tiền tệ với quy mô lớn để bù đắp", Tony Dwyer, chiến lược gia trưởng của Canaccord Genuity, cho biết. "Tuy nhiên, hiện nay vẫn không có cách nào để đánh giá tác động tới kinh tế toàn cầu của dịch Covid-19 vì các trường hợp nhiễm bệnh vẫn đang gia tăng".

Vài giờ trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa phiên hôm qua, nhóm bộ trưởng tài chính các nước G7 cũng thông báo sẽ có các công cụ giúp kinh tế toàn cầu đối phó rủi ro. Dù vậy, họ không đưa ra các biện pháp cụ thể.

Chuyên đề