Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của mình. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng năm 2017 là năm rất thành công trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Theo Phó Thủ tướng, thành công 2017 là nền tảng rất quan trọng cho năm 2018 và các năm tiếp theo, nhưng sẽ là áp lực lớn bởi khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, muốn bảo đảm tăng trưởng 6,7%, cần nhiều sản phẩm mới, cùng với đó là sự gia tăng của các sản phẩm truyền thống.
Về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế và lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của mình trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường (nội địa, khu vực và thế giới) và tiềm năng lợi thế của mỗi vùng, ngành, lĩnh vực và địa phương gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra những sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng tốt và giá cả hợp lý và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và thế giới.
“Tránh tình trạng coi tái cấu trúc xong rồi là thôi, cần thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào, phát triển theo phong trào, dẫn đến khủng hoảng”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở tái cơ cấu, các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, các quy hoạch vùng, địa phương. Từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch trong đó xác định rõ lộ trình thực hiện, các ưu tiên trước mắt, trung hạn, dài hạn phù hợp với nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT một mặt tập trung tái cấu trúc ngành, mặt khác triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu mà Chính phủ đã ra Nghị quyết. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm xây dựng kế hoạch thực hiện, bởi còn rất nhiều việc phải làm.
Về phát triển sản xuất, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018 khoảng 6,7%, yêu cầu các bộ, ngành cùng các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sản xuất, thị trường của từng sản phẩm, để có giải pháp điều chỉnh, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
“Kinh nghiệm thành công của năm 2017 là ngay từ giữa năm đã bắt đầu rà soát kỹ từng ngành, lĩnh vực để điều chỉnh cho phù hợp”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). “Việt Nam đã có những “đầu tàu”, các cơ sở sản xuất, lắp ráp lớn ở các lĩnh vực (như LG, Samsung các dự án lớn về ô tô, ngành xây dựng, dệt may, da giày…). Đây chính là những động lực để phát triển các ngành CNHT”.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương một mặt nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển CNHT. Bộ Tài chính nghiên cứu các ưu đãi về thuế… Mặt khác, cần nhanh chóng lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết để ưu tiên phát triển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của các “đầu tàu”, từ đó lan tỏa tạo thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.
“Phải có những doanh nghiệp đi trước, từ đó lan tỏa, tạo điều kiện để kéo các doanh nghiệp khác cùng phát triển CNHT. Các địa phương cũng cần có chính sách thu hút, tạo điều kiện phát triển CNHT”, Phó Thủ tướng nói.
Về phát triển thương mại, dịch vụ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần coi trọng thị trường nội địa, tổ chức lại thị trường bán lẻ để trước hết, sản phẩm chất lượng của Việt Nam phải đến được với người Việt Nam. Ở đây có vai trò quan trọng của các địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, vị trí để phát triển các trung tâm bán lẻ.
Cùng với đó, phải giữ vững thị trường truyền thống, từng bước phát triển thị trường mới trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang đàm phán.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý ngành chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc kháng sinh. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đánh bắt cá trái phép của ngư dân tại các vùng biển quốc tế.
“Hiện tại, EU đã rút thẻ vàng, nếu không cải thiện được tình trạng này, Việt Nam sẽ bị thẻ đỏ, khi đó Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu thủy sản vào EU, vốn chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về phát triển kết cấu hạ tầng và các dự án trọng điểm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại để báo cáo tổng hợp các giải pháp phát triển các dự án BOT; báo cáo quy hoạch tổng thể, kế hoạch huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT bằng các nguồn lực xã hội hóa.
Đối với tuyến cao tốc Bắc-Nam, yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo tập trung thực hiện tốt khâu chuẩn bị đầu tư, đề nghị các địa phương có tuyến đường đi qua phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm giải phóng mặt bằng với mục tiêu có thể đưa vào sử dụng khoảng 2020-2021.
Đề nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành việc đền bù giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành; hoàn thiện phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất; đẩy nhanh nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; triển khai đúng tiến độ các dự án đường sắt đô thị đang triển khai…
Bộ Công Thương sớm rà soát lại Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, bổ sung các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời…). Từ đó có cơ sở khoa học để cấp phép các dự án bảo đảm phát triển bền vững hệ thống năng lượng cho nền kinh tế.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ TN&MT rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch khoáng sản vốn đang rất chồng chéo hiện nay. Chẳng hạn như quy hoạch titan tại Bình Thuận, có thời gian khai thác đến 200 năm, do đó hoàn toàn có thể kết hợp phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời…; cần có các giải pháp điều chỉnh quy hoạch tại các khu vực phát triển điện hạt nhân; tính toán lại nhu cầu các dự án thủy điện tích năng (trong đó có thủy điện tích năng Bác Ái) để có cơ sở đưa vào quy hoạch và triển khai đầu tư; sớm báo cáo các cơ chế đặc thù để phát triển các nhà máy điện đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng.
Bộ Xây dựng sớm hoàn thành việc xây dựng mới hệ thống định mức đơn giá trong xây dựng, sớm công bố kết quả nghiên cứu việc xử lý tro xỉ của các nhà máy điện vào việc sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san nền… Mỗi năm hiện có khoảng 10 triệu tấn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, do đó phải được tái sử dụng một cách hiệu quả.
Bộ TN&MT kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm (rác thải, nước thải, khí thải…), đặc biệt là tại các khu công nghiệp.
Ảnh: VGP
“Đây là vấn đề đã được Thủ tướng nói rất nhiều lần, đã có Luật, nhưng việc phát triển nhà ở xã hội cho người dân ở các khu đô thị, khu công nghiệp còn rất chậm so với nhu cầu”, Phó Thủ tướng nói.
Về hoàn thiện thể chế, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện chúng ta đã rất quyết liệt trong việc sửa đổi những quy định của pháp luật, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, ách tắc. Do đó, Bộ KH&ĐT cùng với các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát những nội dung còn vướng mắc, thiếu, chồng chéo trong các luật, nghị định.. để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh.