Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng không có động thái nào nới lỏng lạm phát. |
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội chiều qua (27/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thẳng thắn thừa nhận chất lượng tăng trưởng của chúng ta có tiến bộ nhưng còn chậm và còn chưa đáp ứng được nhu cầu và cũng còn có những yếu tố không củng cố thì sẽ thiếu bền vững.
Cùng với đó, chất lượng về thể chế, kết cấu kinh tế hạ tầng, xã hội, nguồn nhân lực cũng đang còn rất nhiều hạn chế. Các chỉ số về đổi mới khoa học công nghệ, quản trị còn thấp. Đặc biệt, năng suất lao động tuy tăng nhanh nhưng so với các nước trong khu vực thì còn rất thấp.
Về tình hình kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, nước ta có độ mở rất lớn, đến nay tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu bằng 1,9 đến gần 2 lần GDP. Trong khi đó, kinh tế thế giới có diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt về bảo hộ, thương mại, căng thẳng thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Căng thẳng chính trị cũng làm cho giá cả thế giới diễn biến bất thường nhất là giá dầu thô. Chính sách về lãi suất của Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, giá đô la tăng, nhiều nước bên cạnh ta giảm giá đồng tiền nên lãi suất thế giới tăng cao gây áp lực lớn đến điều hành của ta.
"Vì vậy, nhất quán từ đầu nhiệm kỳ là Chính phủ coi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo các cân đối của nền kinh tế như là năng lượng, điện, lương thực, thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững về nợ công, cán cân thương mại và cán cân thanh toán vãng lai, tăng cường dự trữ ngoại hối. Hiện nay chúng ta có mức dự trữ ngoại hối kỷ lục trên 60 tỷ USD", ông nói.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, chúng ta kiểm soát thành công lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp, giữ được mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá theo nguyên tắc thị trường có tính thận trọng hơn.
Đặc biệt, ông khẳng định, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. "Nhân đây, chúng tôi báo cáo là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền của chúng ta để hỗ trợ cho xuất khẩu", ông nói.
Đồng thời khẳng định, Chính phủ thực hiện một chính sách về tài khóa chặt chẽ nhưng thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt theo tín hiệu thị trường, và Chính phủ không có một động thái nào trong việc nới lỏng kiểm soát về lạm phát như băn khoăn của đại biểu.
"Trong điều kiện thế giới có những biến động về giá cả và chúng ta cần đẩy mạnh một số dịch vụ công như giáo dục và đào tạo thì việc đặt ra chỉ tiêu khoảng 4% là cần thiết, trong điều hành thì Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ điều hành chặt chẽ và kiểm soát lạm phát dưới mức 4%, giữ vững mặt bằng lãi suất và cố gắng giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên", ông nói thêm.
Về thị trường tài chính, Phó Thủ tướng thông tin thêm, nhiều chỉ tiêu đã đi trước được kế hoạch 5 năm, hiện nay thị trường chứng khoán đã tăng trưởng 10% GDP, trong đó cổ phiếu là 84%, vượt xa mức 70% đến năm 2020. Điều này giảm nhẹ được gánh nặng về cung ứng vốn trung dài hạn cho hệ thống về ngân hàng. Cùng với đó, giảm được rất mạnh nợ xấu, toàn hệ thống từ 10,08% vào cuối 2016 thì bây giờ còn 6,7% và nợ xấu trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2% so với mức 2,56% của đầu năm nay.
Trước băn khoăn về chuyện nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần, Phó Thủ tướng cho biết: "Nợ nước ngoài quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp. Nợ nước ngoài của Chính phủ đã giảm từ mức 60% còn 40% trong cơ cấu nợ. Khối nợ nước ngoài thì một số giao dịch vừa rồi cũng có tăng lên, Thủ tướng đã có một hạn mức rất chặt chẽ cho mức nợ nước ngoài của quốc gia cho nên chúng tôi cũng hứa với Quốc hội sẽ tiếp tục kiểm soát chặt vấn đề này", Phó Thủ tướng khẳng định.