Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ về thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC. Ảnh: VGP/Hải Minh |
APEC tái khẳng định các mục tiêu đã chọn
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết lãnh đạo các nền kinh tế đều có chung đánh giá Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã thành công tốt đẹp cả về mặt nội dung và công tác tổ chức.
Trước hết, theo Phó Thủ tướng, APEC tái khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực với các mục tiêu của APEC là tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực.
Thứ hai, APEC đã xây dựng nền tảng hết sức quan trọng cho phát triển trong giai đoạn mới với nhiều vấn đề mới được thảo luận bên cạnh những nội dung hợp tác truyền thống như nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử, cơ cấu kinh tế...
Đặc biệt, lãnh đạo các nền kinh tế đã thảo luận về Tầm nhìn APEC sau năm 2020 theo sáng kiến của Việt Nam và hoan nghênh việc thành lập Nhóm công tác để hỗ trợ các quan chức cấp cao trong việc xây dựng Tầm nhìn hậu 2020. Tầm nhìn này sẽ phát huy những thành tựu mà APEC đã đạt được, xử lý các công việc chưa hoàn thành và thăm dò những lĩnh vực hợp tác mới để nâng cao hiệu quả ứng phó các thách thức và vấn đề cấp bách mới và mới phát sinh sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.
Thứ ba, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến về tổ chức các Hội nghị bên ngoài khuôn khổ của APEC như phiên họp của APEC với ASEAN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN với sự hiện diện hầu hết các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thanh viên, hay lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với sự tham dự của 2.000 doanh nghiệp, trong đó 800 doanh nghiệp trong nước, tạo hiệu ứng lan tỏa đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Những con số biết nói
Trong một thập kỷ qua, đây là một trong hai Tuần lễ Cấp cao có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên. Đã có 21.000 đại biểu tham dự các hoạt động của Năm APEC, trong đó chỉ riêng Tuần lễ Cấp cao là trên 11.000 người.
Trong khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh có số lượng đại biểu tham dự kỷ lục, trên 2.000 người so với khoảng 1.000-1.500 trong các Hội nghị trước, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề kinh tế trong khu vực.
Số lượng các nhà báo tác nghiệp trong Tuần lễ Cấp cao lên đến gần 3.000, qua đó nói lên sự quan tâm của truyền thông khu vực và thế giới đối với sự kiện quan trọng nhất của Năm APEC 2017.
Về mặt kinh tế, qua các chuyến thăm, cuộc gặp song phương, đã có 121 thỏa thuận trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết, mang lại cơ hội cho người dân và doanh nghiệp.
Dấu ấn về năng lực dẫn dắt, điều phối của Việt Nam
Một trong những vai trò quan trọng của chủ nhà là tạo được sự quan tâm chung của các thành viên vì mục tiêu chung của cả khu vực. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã rất thành công trong việc đưa ra chủ đề lớn trong của Năm APEC 2017, đó là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cùng 4 ưu tiên được các nền kinh tế thành viên hết sức ủng hộ.
“Chúng ta chọn đúng vấn đề, chọn đúng ưu tiên” và “không một nền kinh tế nào thấy mình đứng ngoài” những ưu tiên đó, từ đó tạo sự quan tâm và đồng thuận chung, Phó Thủ tướng cho biết.
Ngay cả khi các nước nhất trí với chủ đề và các ưu tiên, chủ nhà còn có nhiệm vụ dung hòa, thu hẹp khác biệt trong từng vấn đề bởi mỗi nền kinh tế có mức độ quan tâm khác nhau, có quan điểm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau được.
Nếu không thống nhất được quan điểm, sẽ không ra được văn kiện cuối cùng của Tuần lễ Cấp cao cũng như văn kiện của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế.
Đặc biệt, điểm mới trong các Tuyên bố cuối cùng của các nhà lãnh đạo và Tuyên bố chung của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế là đều có phụ lục kèm theo và là sáng kiến của Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, thành công của Tuần lễ cấp cao APEC trước tiên là do chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Từ chủ trương đó, Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo cấp cao hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt tất cả các hoạt động của Năm APEC 2017. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các bộ ngành, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và người dân.
Thành công còn do công tác chuẩn bị được tiến hành từ rất sớm. Năng lực của cán bộ được nâng lên sau 30 năm đổi mới, nhất là trong phát triển kinh tế cùng với kinh nghiệm hội nhập quốc tế, tham gia hệ thống các Hiệp định thương mại tự do, giúp Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò dẫn dắt thảo luận trong APEC, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận xét.
Vị thế Việt Nam
Ý tưởng về việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ nhà APEC lần thứ 2 bắt đầu từ năm 2011 và Việt Nam chính thức thông báo với các nền kinh tế thành viên về đề xuất này nhân Năm APEC 2012 tại Liên bang Nga.
Đáng chú ý, khi Việt Nam gửi lời mới lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, nhiều nhà lãnh đạo các nền kinh tế chủ chốt không chỉ sớm khẳng định sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 mà còn thăm chính thức Việt Nam, thể hiện vai trò và vị thế của Việt Nam. Trong số lãnh đạo các nền kinh tế tới tham dự Hội nghị cấp cao, có lãnh đạo của 10 thành viên mới hoàn tất tổng tuyển cử trong nước nên sự kiện càng có ý nghĩa với khu vực.
Vị thế của Việt Nam còn được thể hiện ở việc lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tham dự phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit).
Năm APEC 2017 còn là dịp Việt Nam làm sâu sắc quan hệ song phương với các đối tác trong khu vực. Bên cạnh chuyến thăm cấp cao của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada, đã có 50 cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước.
Đồng thời, với việc tổ chức các sự kiện APEC ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, chúng ta có dịp quảng bá với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng và Hội An.
Phó Thủ tướng cho biết ông chỉ mong muốn thời tiết ủng hộ đất nước vì “chúng ta cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và giây phút ông cảm nhận được sự thành công của Năm APEC 2017 chính là khi các nhà lãnh đạo chụp ảnh ngoài trời./.