Phó Chủ tịch nước thăm chính thức Mông Cổ, dự Hội nghị Phụ nữ toàn cầu

Từ ngày 8-15/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm chính thức Mông Cổ, thăm và làm việc tại Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Tokyo, Nhật Bản.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 26 tại Warsaw, Ba Lan ngày 9/6/2016.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 26 tại Warsaw, Ba Lan ngày 9/6/2016.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Mông Cổ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống cùng có lợi với Mông Cổ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở rộng quy mô thương mại, tăng cường hợp tác lao động, giáo dục, văn hóa, du lịch…

Việt Nam và Mông Cổ có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Hai bên duy trì việc giao lưu, trao đổi đoàn cấp cao và đang phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận cấp cao. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Mông Cổ hiện nay đạt 58 triệu USD và hai nước vẫn có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, trong đó có hợp tác về năng lượng, khai khoáng, xuất khẩu nông sản, hải sản.

Kết thúc chuyến thăm chính thức Mông Cổ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm và làm việc tại Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Chuyến thăm Nhật Bản của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhằm củng cố sự tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, nông nghiệp, tăng cường quan hệ với tỉnh Fukuoka, qua đó thúc đẩy hợp tác địa phương, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị. Giao lưu, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp, giao lưu giữa các địa phương, nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên, mật thiết. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (28/2-5/3/2017). Thủ tướng Shinzo Abe và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam (tháng 1/2017). Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nhà cung cấp ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về FDI, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại.

Tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu với chủ đề “Thúc đẩy hơn nữa học thuyết Kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ”.

Việt Nam luôn tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thực chất vào Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu. Việc Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham gia Hội nghị lần này nhằm khẳng định những chính sách, pháp luật, nỗ lực thực tế và thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đề cao đóng góp tích cực của phụ nữ Việt Nam trong phát triển và xây dựng đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế; trao đổi kinh nghiệm trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong lĩnh vực công và tư; thúc đẩy quan hệ với các nữ lãnh đạo thế giới, tăng cường kết nối giữa các nữ doanh nhân Việt Nam với các nữ doanh nhân quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu diễn ra hằng năm trong 27 năm qua với mục đích mở rộng cơ hội kinh tế cho phụ nữ, khuyến khích vai trò lãnh đạo và đóng góp của các nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế quốc gia và toàn cầu. Hội nghị luôn nhận được sự quan tâm và tham gia của hàng trăm nữ lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và các công ty đa quốc gia.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản từ ngày 11-13/5/2017 với chủ đề “Thúc đẩy hơn nữa học thuyết Kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ” sẽ tập trung thảo luận luận về đẩy mạnh cơ hội lãnh đạo doanh nghiệp cho phụ nữ, thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, mở rộng thị trường toàn cầu cho phụ nữ làm kinh doanh, khuyến khích phụ nữ tham gia các ngành công nghệ, tăng cường các chính sách hỗ trợ phụ nữ. Hội nghị cũng thông tin về tiếp cận thị trường Nhật Bản và châu Á-Thái Bình Dương, kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Chuyên đề