Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm cho nhóm chuyên gia – trí thức người Việt tại Thụy Sỹ. |
Chủ tịch FHNW, ông Crispino Bergamaschi đã giới thiệu với Phó Chủ tịch nước và đoàn đại biểu Việt Nam về hệ thống giáo dục của Thụy Sĩ và vai trò của Đại học FHNW. Đây là đại học hàng đầu về khoa học ứng dụng tại Thụy Sĩ, với 9 chuyên ngành khác nhau, trong đó có kinh doanh, kiến trúc, xây dựng, nghệ thuật, âm nhạc, thiết kế, tâm lý học... Trường hiện có 12.419 sinh viên, bao gồm cả sinh viên quốc tế. Trong đó có 15 sinh viên Việt Nam, phần lớn theo học chuyên ngành kinh doanh.
Hàng năm, FHNW tiếp nhận trung bình 100 triệu franc đầu tư vào các dự án nghiên cứu đổi mới, sáng tạo từ các đối tác doanh nghiệp, công nghiệp. FHNW hợp tác với khoảng 400 đối tác trên toàn thế giới trong nhiều dự án đào tạo, nghiên cứu khác nhau, trong đó có 4 chương trình hợp tác đào tạo với Việt Nam.
Phát biểu nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết Việt Nam coi trọng tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong ba đột phá chiến lược của Việt Nam hướng tới mục tiêu cơ bản là sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để hiện thực hóa điều này, Việt Nam chủ trương xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá, mở rộng tối đa cơ hội cho người học được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước trên thế giới, trong đó có Thụy Sĩ.
Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh cơ hội lớn nhất đối với thanh niên hiện nay là được sống trong một thế giới phẳng, trong một ngôi làng toàn cầu mà tất cả các cá nhân, tổ chức ít nhiều đều có mối liên kết, tác động qua lại lẫn nhau, trong đó thanh niên là chủ nhân đất nước, chủ nhân của công nghệ mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo cơ hội lớn cho các nước xích lại gần nhau hơn, hiểu biết sâu hơn về nước khác và dân tộc khác, đồng thời tăng cường chia sẻ trách nhiệm cộng đồng cao cả.
Thanh niên toàn cầu và thanh niên các nước đang phát triển như Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để khẳng định mình, xác lập sự khác biệt với các thế hệ trước. Thanh niên và sinh viên Việt Nam chia sẻ với các sinh viên trên thế giới và tại Thụy Sĩ nói riêng khát vọng vươn lên, chinh phục đỉnh cao trí thức và khoa học bằng tài năng, nhiệt huyết và đạo đức của mình.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp các thành viên Nhóm chuyên gia-trí thức người Việt tại Thụy Sĩ. Ông Lưu Vĩnh Toàn, tiến sỹ công nghệ thông tin tại thành phố Zurich và các thành viên Nhóm trí thức người Việt tại Thụy Sĩ đã giới thiệu với Phó Chủ tịch nước về ý tưởng sáng tạo phần mềm VietSearch nhằm tìm kiếm, kết nối thông tin để khai thác và phát huy tiềm năng của cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Ý tưởng này xuất phát từ thực tế có khoảng 4,5 triệu người Việt đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài và có khoảng 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài trong năm 2018. Như vậy, nhu cầu tìm kiếm, kết nối thông tin của người Việt trên thế giới là rất lớn và từ đó, các tác giả nảy sinh ý tưởng xây dựng VietSearch hướng tới hợp tác, phát triển cộng đồng người Việt trên toàn cầu.
Phó Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng của các thành viên Nhóm chuyên gia, trí thức người Việt tại Thụy Sĩ về việc sáng tạo phần mềm VietSearch và mong muốn các trí thức người Việt tại Thụy Sĩ liên hệ với các đầu mối ở trong nước như Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tìm hiểu thêm nhu cầu của các đối tác ở trong nước, để từ đó sáng tạo phần mềm VietSearch phù hợp với mục đích, không chỉ kết nối người Việt Nam với người Việt Nam, mà cả với những người bạn nước ngoài có thiện cảm và yêu mến Việt Nam.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, nếu có tình cảm với Việt Nam và Thụy Sĩ, đều có thể đóng góp cho quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ. Mọi đóng góp của mỗi cá nhân hay tập thể cho quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ, dù bằng vật chất hay tinh thần, đều được nhân dân hai nước gìn giữ, trân trọng.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đề nghị các trí thức người Việt tại Thụy Sĩ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ để được hỗ trợ khi cần thiết./.