Phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 6/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tài nguyên nước 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước; là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và là một trong những cơ sở quan trọng cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Tại Lễ công bố, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Quy hoạch tài nguyên nước là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra, đồng thời cũng định hướng tổng thể cho 6 vùng phát triển kinh tế - xã hội (Trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long), 13 lưu vực sông lớn (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vũ Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpok, Đồng Nai, Cửu Long), nhóm lưu vực sông ven biển và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam triển khai thực hiện trong quá trình lập quy hoạch.

Quy hoạch hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Đồng thời, hướng tới bảo vệ số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ với duy trì, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao khả năng tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hợp tác, chia sẻ công bằng và hợp lý tài nguyên nước xuyên biên giới. Phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra với phương châm phòng ngừa là chính, giảm thiểu tối đa tổn thất.

Mục tiêu đến năm 2030 điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; đảm bảo nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt 95 - 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.

Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.

Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo.

Phấn đấu đến năm 2050, nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới. Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyên đề