Phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta đạt thấp. Năng suất lao động là chỉ tiêu duy nhất dự kiến không đạt được trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022, do ước chỉ tăng 4,7 - 5,2%, trong khi kế hoạch là 5,5%. Để năng suất lao động được cải thiện, điều kiện tiên quyết là phải phát triển lực lượng sản xuất phù hợp với bối cảnh đương đại của thế giới.
Nhìn tổng quan, Việt Nam thiếu lực lượng sản xuất hiện đại, thiếu tư liệu sản xuất và nguồn lao động chất lượng cao. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên
Nhìn tổng quan, Việt Nam thiếu lực lượng sản xuất hiện đại, thiếu tư liệu sản xuất và nguồn lao động chất lượng cao. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên

Thế giới đang đổi thay hàng ngày…

Như chúng ta đều biết, “lực lượng sản xuất là toàn bộ năng lực thực tiễn dùng trong sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định. Về mặt cấu trúc, lực lượng sản xuất bao gồm những tư liệu sản xuất và sức lao động dùng cho sản xuất. Tư liệu sản xuất bao gồm các công cụ lao động và đối tượng lao động.

PGS.TS. Lê Quốc Lý

PGS.TS. Lê Quốc Lý

Từ khi có nền sản xuất đến nay, mọi người đều hiểu “lực lượng để sản xuất ra của cải phải bao gồm người lao động và tư liệu sản xuất. Do đó, hai yếu tố này tạo thành lực lượng sản xuất”. Tuy nhiên, khi khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, đã và đang trở thành lực lượng sản xuất chính, trực tiếp thì lực lượng sản xuất ngày một thay đổi cả về chất, lẫn về lượng. Máy móc với trí tuệ nhân tạo từng bước không chỉ thay thế cơ bắp con người, mà còn đang từng bước thay thế cả trí tuệ con người. Thế giới đang đổi thay hàng ngày hàng giờ là nhờ vào sự thay đổi của lực lượng sản xuất, của tiến bộ khoa học và công nghệ.

Việt Nam trong bối cảnh thế giới đương đại cần phát triển lực lượng sản xuất như thế nào? Một số nhà khoa học và học giả cho rằng, Việt Nam không chịu phát triển, không chịu lớn, bởi lẽ nền kinh tế nước ta chìm đắm quá lâu trong nhiều năm tháng kém phát triển. Với lực lượng sản xuất thô sơ và lạc hậu, biểu hiện rõ nét ở tình trạng “con trâu đi trước cái cày theo sau” và “hợp tác xã toàn cuốc”, Việt Nam đã trải qua một thời gian dài đói nghèo cùng cực. Trong thời kỳ dài của lịch sử, nước ta không chú ý đúng mức đến phát triển lực lượng sản xuất, mà chỉ khuếch trương quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Năm 1986, nhờ có Đổi mới với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khởi sắc, thu được nhiều thành tích có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thật sự bứt phá đi lên. Nguy có tụt hậu và tụt hậu ngày càng xa so với các nước đang hiện hữu. Nguyên nhân cốt lõi, căn bản là lực lượng sản xuất của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, chưa phát triển đúng tầm, xét cả về trình độ người lao động lẫn tư liệu sản xuất. Việt Nam có bứt phá đi lên được hay không phụ thuộc vào việc có tạo ra được một lực lượng sản xuất hiện đại phù hợp với bối cảnh của thế giới đương đại hay không? Cụ thể hơn, phụ thuộc vào việc Việt Nam có đón nhận được hay không thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khả năng xây dựng lực lượng sản xuất phát triển ngang tầm thời đại. Đây là những câu hỏi lớn cần được trả lời thỏa đáng.

Việc đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao trong nước còn rất hạn chế. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tiên Giang

Việc đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao trong nước còn rất hạn chế. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tiên Giang

Lực lượng sản xuất là cái cốt lõi của nền sản xuất

Chúng ta đều biết, lực lượng sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế. Sự thành bại của các nền kinh tế được quyết định bởi ở lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa Mác- Lênin đã nhấn mạnh: “Lực lượng lượng sản xuất là cái cốt lõi của nền sản xuất”. V.I. Lênin cũng nêu rõ: “Chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa tư bản ở năng suất lao động”. Mà năng suất lao động là do lực lượng sản xuất tạo ra. Để có năng suất lao động cao, cần có lực lượng sản xuất hiện đại. Tăng năng suất lao động và nâng cao không ngừng trình độ của lực lượng sản xuất chính là chìa khóa sống còn và là câu trả lời rõ ràng cho khả năng chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa tư bản.

Xã hội loài người đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp và đi liền với đó là sự hình thành và phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, làm thay đổi toàn diện thế giới loài người. Trước khi xuất hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0, xã hội loài người phát triển rất chậm chạp, nghèo nàn và lạc hậu. Khi Cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 ra đời (thế kỷ 18), với phát minh ra đầu máy hơi nước và cơ khí đã tạo ra lực lượng sản xuất mới với đường tàu, các máy móc dệt chạy bằng đầu máy hơi nước phát triển mạnh mẽ ở Anh. Với sự phát triển của lực lượng sản xuất như vậy, xã hội loài người đã chuyển từ hình thái phong kiến sang xã hội tư bản.

Cuộc cách mạng công nghiệp 2.0 được đánh dấu bằng sự phát minh ra điện, đã đưa xã hội loài người thay đổi về chất. Nhờ có điện, lực lượng sản xuất đã phát triển nhanh chóng. Nhiều nước đang nghèo nàn, lạc hậu, nhờ có lực lượng sản xuất phát triển đã bứt phá, trở nên giàu có và thịnh vượng. Cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 diễn ra từ năm 1960 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet, lan tỏa của công nghệ thông minh đã hình thành nên một lực lượng sản xuất hoàn toàn khác trước đây. Cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 là cuộc cách mạng tạo ra lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất mới căn bản so với trước và năng suất lao động cũng tăng cao đột biến. Chính nhờ hiện đại hóa lực lượng sản xuất trong giai đoạn này mà nhiều nền kinh tế có bước phát triển đột phá, trở nên giàu có như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước công nghiệp mới nổi. Năm 2018, năng suất lao động của Singapore cao gấp 13,7 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Người có lương tâm đều cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh hàng nghìn người dân Việt Nam trốn sang Campuchia để lao động mưu sinh, kiếm miếng cơm manh áo mà bị đánh đập, ức hiếp. Một số nhà khoa học phân tích và đưa ra cảnh báo, GDP/người của Việt Nam năm 2030 mới bằng GDP/người của Malaysia năm 1997. Vậy nếu không thay đổi mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam sẽ đi về đâu? Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn văng vẳng bên tai: “Xây dựng Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, làm cho “Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần thức tỉnh, cần hành động thực tiễn, biến ước mơ thành hiện thực. Xây dựng Việt Nam ta ngày một giàu mạnh thực sự.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên các thành tựu phát minh, sáng tạo, đột phá trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano… đã nâng tầm lực lượng sản xuất, đồng thời xác lập một phương thức sản xuất mới, với năng suất lao động cao gấp hàng trăm, gấp ngàn lần trước đây. Đây là cuộc cách mạng thay đổi căn bản lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đặc biệt thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, nó loại bỏ căn bản phương thức sản xuất cũ, thay vào đó là phương thức sản xuất thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, công nghệ số... Thành quả từ công nghệ cao, trí tuệ thông minh, Internet vạn vật, in 3D… đang làm thay đổi tận tầng sâu và trên tầng cao nhất của đời sống mọi cá nhân, cộng đồng, nhà nước, quốc gia dân tộc và cả xã hội loài người. Những lợi thế so sánh về an ninh và phát triển trước kia mất dần ý nghĩa thực, nhường chỗ cho các lợi thế mới. Nhờ mạng kết nối đa dạng, đa chiều, thế giới dường như thu nhỏ lại như một “ngôi làng toàn cầu”.

Đổi mới tư duy, đổi mới cách làm

Trên toàn cầu, bên cạnh lực lượng sản xuất, tư liệu sản xuất cũng đang thay đổi chóng mặt nhờ công nghệ mới nhờ sự đầu tư đích đáng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển và thu hút tài năng tại nhiều quốc gia. Trong khi đó, đất nước ta rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng giáo dục các cấp đều không cao, nếu không thay đổi mạnh mẽ thì người Việt Nam sẽ rất khó để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thế giới đương đại. Thực tế, Việt Nam có thành tích lực lượng lao động xuất khẩu nhiều, nhưng số người học được kiến thức hiện đại và có tay nghề cao khi kết thúc thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động lại quá ít. Trong nước, việc đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao còn rất hạn chế. Đây là một thách thức rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn tổng quan, nước ta thiếu lực lượng sản xuất hiện đại, thiếu tư liệu sản xuất và nguồn lao động chất lượng cao. Vậy làm thế nào để cải thiện được năng suất lao động, thực thi các mục tiêu phát triển trung và dài hạn? Nhìn từ cái gốc của tư duy cho thấy, muốn có kinh tế - xã hội phát triển thì không có cách nào khác ngoài việc đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất ngang tầm với yêu cầu của thời đại. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”. Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao… Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học- công nghệ”.

Nền tảng lý luận đã rõ. Tuy nhiên, trước thực tế nhiều nước trên thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ các thành tựu khoa học, công nghệ để đạt sự phát triển đột phá, thì Việt Nam cần phải chuyển động nhanh hơn, không thể đứng ra ngoài sự phát triển đó. Việt Nam hoặc là phải phát triển để đi cùng các tiến bộ trên thế giới, hoặc phải chấp nhận tụt hậu, đào thải và khó vượt qua thực trạng nghèo nàn. Chúng ta không thể tiếp tục tư duy sai lầm về việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động (xuất khẩu lao động chỉ là tạm thời trong một giai đoạn nền kinh tế còn kém phát triển. Thay vào đó, cần xây dựng tư duy, khát vọng phát triển kinh tế Việt Nam tự chủ, tự lập, để mọi người Việt Nam đến tuổi lao động đều có việc làm, có thu nhập và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Do đặc thù nền kinh tế nước ta nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chính, nên giải pháp không thể xem nhẹ là đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ảnh: Lê Tiên

Do đặc thù nền kinh tế nước ta nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chính, nên giải pháp không thể xem nhẹ là đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ảnh: Lê Tiên

Lan tỏa lòng tự tôn dân tộc và khát vọng vươn lên

Để thực thi khát vọng phát triển kinh tế Việt Nam tự chủ, tự lập, cải thiện thực sự đời sống người dân, cần rất nhiều giải pháp, nhưng trước hết, cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chính trị để Việt Nam sớm hội nhập với thế giới một cách toàn diện. Tháo gỡ mọi rào cản, trước tiên là rào cản tư duy, lấy thực tiễn làm thước đo giá trị; lấy đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân làm thước đo và mục tiêu phấn đấu.

Nhà nước cần quyết liệt thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đã được ban hành vào đầu năm 2022. Từng người lao động, từng cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ cần đổi mới, hướng đến việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các mục tiêu của mình. Chính sách cần tập trung hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở tất cả các chủ thể. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nghiệp nội địa phát triển, công nghiệp hỗ trợ phát triển ngày một hiện đại.

Do đặc thù nền kinh tế nước ta nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chính, nên giải pháp không thể xem nhẹ là đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đưa khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chế biến các hàng hóa nông - lâm - thủy hải sản theo hướng an toàn, có lợi cho sức khỏe, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích mạnh hơn dòng chảy đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam ra nước ngoài. Mở rộng giao lưu nhân dân với các nước trên thế giới. Tạo thuận lợi để nhân dân Việt Nam dễ dàng đi ra thế giới học hỏi kiến thức, tư duy kinh doanh, sản xuất cũng như khuyến khích người nước ngoài vào Việt Nam tìm cơ hội tạo giá trị mới.

Đặc biệt, song song với việc thúc đẩy đưa công nghệ số, kỹ thuật số vào đời sống kinh tế - xã hội, Nhà nước cần quan tâm, đào tạo nghiêm túc nguồn nhân lực chất lượng cao người Việt Nam ngang tầm thời đại. Cải cách mạnh mẽ giáo dục, đào tạo là cái gốc tạo nên sự phát triển của Đất nước, cải thiện những yếu kém hiện nay. Chỉ con người mới có khả năng tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại và đưa những giá trị đó vào phát triển lực lượng sản xuất, phát triển đất nước. Người Việt Nam không thể chấp nhận nghèo nàn, lạc hậu, vì thế cần gieo vào những người trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vươn lên, không chịu yếu thế trên trường quốc tế.

Chuyên đề