Phát triển các dự án điện mặt trời thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh góp phần tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là mục tiêu được Bộ Công Thương nhấn mạnh trong Báo cáo đề xuất chủ trương Dự án Nghiên cứu và áp dụng cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Minh bạch, tiết kiệm chi phí
Theo tính toán của Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, để đảm bảo nguồn cung cấp điện giai đoạn 2020 - 2025, Việt Nam cần huy động sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), chủ yếu là điện mặt trời và điện gió. Nguồn điện này có ưu thế là có thể đầu tư lắp đặt nhanh chóng, góp phần bù đắp lượng điện có khả năng thiếu hụt tại miền Nam.
Nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, trong đó, cơ chế khuyến khích tập trung vào mức giá mua điện mặt trời cố định trong 20 năm (cơ chế giá cố định - FIT). Thực tế cho thấy, cơ chế FIT đã tạo động lực phát triển tốt thị trường năng lượng mặt trời Việt Nam với 86 dự án đã đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 có tổng công suất là 4,5 GW.
Tuy nhiên, Viện Năng lượng đánh giá: “Chính sách giá FIT khuyến khích về giá nhưng lại có hạn chế: Việc xác định giá FIT của Chính phủ thường không thể phản ánh sát và kịp thời với sự thay đổi công nghệ và giá của thiết bị; không xác định được khu vực phát triển điện mặt trời; chưa có cơ chế đảm bảo giải quyết minh bạch trách nhiệm giữa bên mua và bên bán theo thông lệ quốc tế, gây khó khăn trong việc huy động nguồn vốn, tăng chi phí vốn vay”.
Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới cho thấy, khi thị trường đã phát triển tốt, cơ chế đấu thầu sẽ được xây dựng để thay thế nhằm đạt 4 mục tiêu lớn. Thứ nhất là, kiểm soát được quy mô công suất phát triển nguồn điện NLTT theo đúng quy hoạch, phù hợp khu vực phụ tải, kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện truyền tải đảm bảo khả năng giải tỏa công suất dự án NLTT. Hai là, phát triển đáp ứng đúng mục tiêu với chi phí tối ưu. Ba là, giảm rủi ro tài chính, thuận lợi huy động nguồn vốn trong nước và quốc tế. Bốn là, tiếp cận với thị trường cạnh tranh.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, năm 2018, đã có 98 nước/bang trên thế giới áp dụng cơ chế đấu thầu cho các dự án NLTT. Cơ chế này mang lại khả năng thực thi kế hoạch phát triển điện từ nguồn NLTT một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí và minh bạch.
Cần thiết xây dựng cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời
Đối với mô hình hợp tác công tư (PPP), trong đó có hợp đồng xây dựng - sở hữu – vận hành (BOO) mặc dù được áp dụng nhiều với dự án thủy điện song không phù hợp đối với dự án điện mặt trời. Lý do là, đối với dự án PPP, hợp đồng BOO thì nhà máy điện sẽ bán điện theo đúng giá mà cơ quan quản lý quy định. Như vậy, chúng ta sẽ quay trở lại cơ chế FIT và không thể hiện đúng bản chất giá thành đầu tư và thích ứng nhanh theo xu thế thị trường công nghệ. Hơn nữa, khi áp dụng cơ chế PPP, việc bố trí quỹ đất và giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước được đánh giá là hạn chế lớn nhất đối với cơ chế này. Thực tế, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho công tác chuẩn bị hạ tầng của phía địa phương hiện nay rất hạn chế. Ngoài ra, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án PPP với việc lập dự án là nhà đầu tư, phê duyệt dự án là cơ quan chủ quản cũng chưa phù hợp với yêu cầu phát triển các dự án NLTT…
“Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng quy định về cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực NLTT nói chung, điện mặt trời nói riêng là cần thiết”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để thiết kế cơ chế đấu thầu điện mặt trời phù hợp, cơ quan đề xuất Dự án cho rằng, cần phải thực hiện các nghiên cứu cơ bản về khung pháp lý và các tiêu chí thiết kế hồ sơ. Việc đấu thầu lựa chọn theo giá điện cần phải được thiết kế cụ thể với những yếu tố kỹ thuật đặc thù riêng liên quan đến tính toán cân bằng hệ thống truyền tải và phân phối, khu vực tiềm năng, đất đai, đánh giá hiệu quả kinh tế…