Phát hiện 2 doanh nghiệp bán "chui" dự án bất động sản giữa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
Dù không phải chủ đầu tư và chưa được cho phép, 2 doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn tại dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 huyện Mê Linh (Hà Nội).

Ngang nhiên bán "chui" dự án

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố các vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Gia Khánh (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) và Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Nhà đẹp giá gốc (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân).

Theo đó, vi phạm của hai doanh nghiệp này là không được sự ủy quyền và không có văn bản cho phép của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để thực hiện mua, bán, huy động vốn đối với dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại huyện Mê Linh (Hà Nội).

Nhóm nhà đầu tư xem dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2

Nhóm nhà đầu tư xem dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2

Theo Sở Xây dựng, các vi phạm hành chính của 2 công ty trên đã được xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, cùng ngày 12/4 vừa qua, UBND thành phố xử phạt Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Gia Khánh 280 triệu đồng và Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Nhà đẹp giá gốc 140 triệu đồng.

Đồng thời, Sở này cũng công bố rộng rãi hành vi vi phạm của hai doanh nghiệp trên để các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tới hoạt động mua, bán, huy động vốn bị ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp do hoạt động của 2 đơn vị trên. Sở đề nghị liên hệ với Công an thành phố để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trước đó, HUD đã cảnh báo việc mạo danh chủ đầu tư để chào bán sản phẩm tại dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hud Mê Linh Centrel).

Theo đơn vị này, việc xây dựng nhà ở thấp tầng tại dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 tại Xã Thanh Lâm và xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh đang được doanh nghiệp triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng, chưa đủ điều kiện thực hiện kinh doanh theo phương thức bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên một số trang web và mạng xã hội có một số đơn vị, cá nhân mạo danh là chủ đầu tư để thực hiện việc quảng cáo, tiếp thị chào bán sản phẩm bất động sản của dự án không đúng với sự thật.

Thời điểm đó, trên nhiều trang rao vặt bất động sản, mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt thông tin rao bán bất động sản tại dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2. Theo bảng hàng của "cò" đất, giá lô đất dao động từ 24 triệu đồng đến 28 triệu đồng/m2. Ngoài việc gạ vào tiền cọc để giữ chỗ, "cò" đất còn tư vấn, giá vào hợp đồng cho mỗi lô đất 125 m2 chỉ 11 triệu đồng/m2, còn lại là tiền chênh.

Kiểm soát sàn giao dịch

Từ năm 2021, Bộ Xây dựng đã nhiều lần lưu ý các địa phương cần chú ý nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc...

Mới đây, bộ này cũng đề nghị các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa không đúng quy định, "phân lô, bán nền" tại các khu vực không có quy hoạch, chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Địa phương phải rà soát việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Quản lý chặt dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đã rao bán. Ảnh minh họa

Quản lý chặt dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đã rao bán. Ảnh minh họa

Đặc biệt, Bộ Xây dựng lưu ý địa phương đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra, đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm pháp luật về pháp luật về kinh doanh bất động sản, về đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan (nếu có). Những hoạt động được lưu ý gồm xây dựng không phép, trái phép; đầu tư hạ tầng, chia tách thửa, phân lô không đúng với quy hoạch; quảng cáo, môi giới "dự án ma", hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất… gây nhiễu loạn thị trường.

Trước tình trạng "cò đất" thổi giá, rao bán, huy động vốn khi chưa được phép, chưa đủ điều kiện đã chuyển nhượng, mua bán... ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cảnh báo, đối với những thị trường bất động sản vùng ven, tỉnh lẻ ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần phải hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm đã xảy ra tình trạng "sốt ảo", nhiều nhà đầu tư đã "ôm hận". Bởi khi "sốt ảo" thì giá đất bị đẩy lên quá mức, nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt.

Chuyên đề