Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng trưởng nóng và tiềm ẩn một số rủi ro đối với nhà đầu tư. Ảnh: Phú An |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ. Một trong những điểm gây tranh cãi là đề xuất sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Cụ thể, theo Nghị định 153, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Dự thảo sửa đổi nội dung này với quy định, mục đích phát hành trái phiếu bao gồm: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.
Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo chỉ được sử dụng cho chính doanh nghiệp phát hành, đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, thị trường TPDN đã tăng nóng trong năm 2021. Nhiều nhà đầu tư cá nhân “lao vào” mua trái phiếu phát hành riêng lẻ của nhiều doanh nghiệp có rủi ro tài chính cao bất chấp các cảnh báo của cơ quan quản lý. Một số doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ nhưng phát hành với khối lượng lớn, sử dụng vốn huy động không giống như mục đích khi phát hành. Do đó, ban soạn thảo chú trọng sửa đổi các nội dung để cải thiện tính lành mạnh, giúp thị trường phát triển bền vững.
Từ góc độ thành viên tham gia thị trường, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐQT, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Vietinbank cho rằng, quy định tại Dự thảo “khóa” việc phát hành TPDN nhằm mục đích “góp vốn, mua cổ phần, cho doanh nghiệp khác vay vốn…” là chưa hợp lý. Bởi lẽ, đây là những mục đích chính đáng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp bất động sản cần mở rộng quỹ đất thì có thể phát hành TPDN để góp vốn vào doanh nghiệp khác; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thể phát hành để góp vốn vào doanh nghiệp cung ứng đầu vào hoặc phân phối đầu ra để tăng sức cạnh tranh là những hoạt động bình thường như thông lệ của các nước trên thế giới.
Bà Phạm Phương Lan, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho rằng, vay và cho vay lại là nhu cầu, hoạt động bình thường và thường xuyên của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng vay vốn trên thị trường TPDN để tăng vốn cấp hai, đảm bảo các chỉ tiêu về tài chính, do đó không nên “chặn” điều này. “Việc sửa đổi các quy định về phát hành TPDN là cần thiết, song nếu làm không khéo, có thể gây ngưng trệ thị trường vốn đang thông suốt hiện nay”, bà Lan nói.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, nên sửa đổi các quy định theo hướng đảm bảo tính minh bạch của thị trường để nhà đầu tư cá nhân có thể tự phân tích và chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro khi mua sản phẩm tài chính này. Đồng thời, đưa ra giới hạn về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành thay vì siết mục đích sử dụng vốn. Bên cạnh đó, cần có các điều kiện chuẩn và chặt hơn về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp để đảm bảo khả năng phân tích rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ. Hay nói cách khác, thay vì siết mục đích sử dụng vốn thì tạo cơ chế để sàng lọc doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư tham gia thị trường.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty CP FiinGroup, quan trọng nhất là minh bạch, doanh nghiệp phát hành để đầu tư vốn vào doanh nghiệp nào, dự án nào thì kê khai rõ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công khai thông tin này, các nhà đầu tư tự đánh giá và chịu trách nhiệm về hành vi đầu tư khi tham gia thị trường.