Ảnh minh họa - Ảnh: CBC. |
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những phát biểu có phần cứng rắn về đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,29 USD/thùng, còn 62,22 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,38 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 56,86 USD/thùng.
Tuần trước, lạc quan về khả năng Mỹ-Trung sớm ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 và có thể dỡ dần thuế quan trừng phạt đã đưa giá dầu tăng. Trong đó, giá dầu Brent tăng 1,3% và giá dầu WTI tăng 1,9%.
Vào cuối tuần, ông Trump nói rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra "rất tốt đẹp" nhưng chậm hơn so với những gì ông mong muốn và Mỹ sẽ chỉ ký thỏa thuận nếu đó là một "thỏa thuận đúng đắn" cho Mỹ. Ngoài ra, ông Trump cũng một lần nữa phủ nhận thông tin nói rằng Mỹ đã sẵn sàng dỡ thuế quan trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc.
Thương chiến kéo dài hơn 1 năm rưỡi qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo lùi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn tới việc giới phân tích cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Bởi vậy, thị trường lo ngại rằng thế giới sẽ ở trong tình trạng thừa dầu trong năm 2020.
"Chúng tôi dự báo giá dầu sẽ tiếp tục lình xình trong một thời gian nữa và diễn biến giá dầu sẽ còn bị chi phối bởi các tít báo về tình hình thương chiến", hãng tin CNBC dẫn một báo cáo của ngân hàng Commerzbank.
Phiên đầu tuần, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ sự tụt điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Ngoài nỗi lo về đàm phán Mỹ-Trung, thị trường cổ phiếu còn bị phủ bóng bởi tình hình bạo lực leo thang ở Hồng Kông. Chứng khoán châu Á có phiên giảm tệ nhất kể từ tháng 8, chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ cũng rời mức kỷ lục thiết lập hôm thứ Sáu.
Trong một dấu hiệu về ảnh hưởng tiêu cực của thương chiến, số liệu công bố vào cuối tuần vừa rồi cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm mạnh nhất hơn 3 năm trong tháng 10. Theo số liệu công bố ngày thứ Hai, doanh số ôtô tại Trung Quốc giảm tháng thứ 16 liên tiếp.
Thị trường dầu cũng đang lo ngại về sự gia tăng của nguồn cung dầu trong khi nhu cầu tiêu thụ không đuổi kịp.
Phát biểu vào tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) Mohammad Barkindo nói giá dầu thiên về khả năng tăng trong năm tới. Phát biểu này được xem là một dấu hiệu cho thấy OPEC không muốn cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Cuộc họp của OPEC và các nước đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+, sẽ diễn ra vào đầu tháng 12. Liên minh này đã thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1 năm nay và thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng 3/2020 nếu không được gia hạn.
Tuy nhiên, Lukoil - hãng dầu lửa lớn thứ hai của Nga - dự báo thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+ sẽ được gia hạn để hỗ trợ giá dầu.