Đồng tiền ảo Bitcoin. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp LCL, ông Bruno nói: “Nhân dịp hội nghị cấp cao G20 tháng 4/2018 sắp tới, tôi sẽ đề nghị Chủ tịch G20 Argentina cho chúng ta một cơ hội để thảo luận các vấn đề liên quan đồng tiền ảo Bitcoin, đánh giá về những rủi ro cũng như các khả năng để điều chỉnh Bitcoin. Tôi làm vậy để bảo đảm an toàn cho những người giữ tiền tiết kiệm. Hiển nhiên là đang có một rủi ro đầu cơ và cần phải theo dõi, đánh giá, quan sát nó. Cùng với các thành viên khác của G20, chúng ta có thể điều chỉnh Bitcoin.”
Bộ trưởng Kinh tế Pháp cũng đề cập đến những rủi ro mà đồng tiền ảo Bitcoin có thể gây ra như tiền ảo có thể sử dụng cho việc buôn bán ma túy, tài trợ khủng bố hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác. Quan điểm này của Pháp được đưa ra trong bối cảnh đồng tiền ảo Bitcoin đang được giới đầu cơ đẩy giá tăng mạnh và tiềm ẩn nguy cơ “vỡ bong bóng.”
Chỉ từ đầu năm đến nay, Bitcoin đã tăng giá tới 1.700%. Trong tháng 12 này, giá trị của Bitcoin có thời điểm đã vượt mốc 18.000 USD/Bitcoin, sau khi Sở Giao dịch chứng khoán Chicago (Mỹ) đã bắt đầu chấp nhận đồng tiền này.
Cùng ngày 17/12, Chủ tịch Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ Axel Weber cho biết ông không coi đồng tiền ảo Bitcoin là tiền thật và kêu gọi các nhà quản lý can thiệp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tuần báo NZZ am Sonntag, Chủ tịch USB cho rằng đồng tiền ảo này có "nhiều lỗ hổng thiết kế" lớn. Ông Weber đã cảnh báo các nhà đầu tư cần chống lại việc đưa đồng Bitcoin vào thị trường tài chính, đồng thời cho rằng chắc chắn "bong bóng" đồng Bitcoin sẽ vỡ.
Ngày 15/12, Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và nhiều nghị sỹ Nghị viện châu Âu cũng đã nhất trí tăng cường cuộc chiến chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trên các sàn giao dịch tiền ảo và Bitcoin.
Trong số các giải pháp được đưa ra, EU sẽ chấm dứt các giao dịch không tên trên các sàn và hệ thống tiền ảo, bao gồm cả các thẻ nạp tiền trước. Các biện pháp này của EU còn cần phải được các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua trước khi có thể chuyển thành luật tại các quốc gia EU dự kiến trong vòng 18 tháng tới./.