Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về công tác điều hành giá.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 diễn ra ngày 13/8/2021.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định CPI bình quân 7 tháng đầu năm ở mức 1,64% đã tạo dư địa thuận lợi, làm tiền đề để tiếp tục điều hành giá, kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế thế giới và nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao tại nhiều quốc gia sẽ có tác động ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, không được chủ quan, lơ là.
Đối với định hướng công tác quản lý, điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2021, việc điều hành kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên có đánh giá, dự báo cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chinh phủ: vừa giữ bình ổn mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đạt các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp, Có giải pháp bình ổn giá, thực hiện chính sách điều hành để đảm bảo mục tiêu, sát với tình hình thực tế và tuân thủ các quy định của pháp luật…
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, về cơ bản tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép…
Về giá xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chsinh điều hành giá xăng dầu và điều hành sản xuất, xuất, nhập khẩu xăng dầu bảo đảm bình ổn thị trường, tránh tồn kho lớn tại các nhà máy liên doanh trong nước, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới có tính đến bối cảnh dịch bệnh phức tạp; đồng thời tính toán mức trích và sử dụng quỹ bình ổn giá phù hợp, tạo dư địa cho công tác điều hành giá trong các tháng cuối năm, hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân…
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng… Nghiên cứu biện pháp phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện kiểm soát chi phí đối với các dự án đang chịu ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu xây dựng nói chung, giá thép nói riêng, nhằm chống độc quyền, đầu cơ găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng…
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, trong đó thực hiện quản lý các hoạt động khai thác đất, đá, rà soát việc cấp giấy phép khai thác vật liệu cho thi công các dự án của Bộ GTVT…