Phân chia gói thầu đường cao tốc: Quan trọng là giám sát chặt sau đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, có ý kiến đặt vấn đề về việc phân chia các gói thầu xây lắp trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có nhỏ hay không khi mỗi gói thầu có trung bình 2 - 5 thành viên tham gia thi công. Theo ý kiến của chuyên gia, nhà thầu, việc quy định số lượng thành viên trong liên danh trúng thầu và phân chia quy mô gói thầu cao tốc là phù hợp với năng lực hiện tại của các nhà thầu Việt Nam. Điều cần làm là giám sát chặt sau đấu thầu.
Theo ý kiến của chuyên gia, nhà thầu, việc quy định số lượng thành viên trong liên danh trúng thầu và phân chia quy mô gói thầu cao tốc là phù hợp với năng lực hiện tại của các nhà thầu Việt Nam. Ảnh: VGP
Theo ý kiến của chuyên gia, nhà thầu, việc quy định số lượng thành viên trong liên danh trúng thầu và phân chia quy mô gói thầu cao tốc là phù hợp với năng lực hiện tại của các nhà thầu Việt Nam. Ảnh: VGP

Khoản 3 Điều 33 của Luật Đấu thầu quy định: việc phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và quy mô gói thầu hợp lý.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong quá trình xây dựng, trình duyệt các gói thầu xây lắp thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã phân chia gói thầu xây lắp trên cơ sở xem xét sự phù hợp với tính chất kỹ thuật của công trình; điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn; địa giới hành chính; tính liên tục của các công trình chính (đường, cầu, hầm); phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án tổ chức thi công; vị trí, số lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến… Tổng mức đầu tư các dự án thành phần khoảng 7.643 tỷ đến 20.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp để lựa chọn nhà thầu tương ứng khoảng 5.932 tỷ đến 15.131 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm triển khai thực hiện Dự án, không chia nhỏ gói thầu, đảm bảo tính đồng bộ, Bộ GTVT đã phân chia phạm vi mỗi gói thầu dài khoảng 20 - 37 km, giá trị từ 3.000 tỷ đến gần 8.000 tỷ đồng, mỗi gói thầu được chỉ định cho liên danh nhà thầu tối đa có 5 thành viên.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cho biết, việc phân chia quy mô các gói thầu cao tốc và số lượng các thành viên trong liên danh nhà thầu thi công là phù hợp với năng lực hiện tại của nhà thầu xây dựng Việt Nam, không có tình trạng chia nhỏ như đồn đoán. Số lượng nhà thầu Việt Nam có kinh nghiệm thi công các công trình nghìn tỷ là không nhiều. Có một số nhà đầu tư lớn đã từng quản lý những công trình hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng không có năng lực thi công các gói thầu lớn. Trong khi đó, việc lựa chọn nhà thầu phải dựa vào các quy định pháp luật về đấu thầu, cần xem xét đầy đủ năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Việc giao gói thầu cho liên danh có từ 2 - 5 thành viên thực hiện là hợp lý để tận dụng năng lực tổng của các nhà thầu. Trong liên danh có sự phân chia công việc hợp lý, phù hợp với năng lực của từng thành viên, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong triển khai, sự khớp nối của các hạng mục để hoàn thành và đưa công trình vào vận hành. Mỗi liên danh đều có đại diện chịu trách nhiệm tổng thể, thực hiện điều tiết công việc, điều chuyển khối lượng công việc trong trường hợp cần thiết để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, năng lực của nhà thầu Việt đang dần được nâng lên qua các gói thầu cao tốc. Giai đoạn 2017 - 2020, quy mô các gói thầu cao tốc từ 1.000 tỷ - 3.000 tỷ đồng, đến giai đoạn 2021 - 2025, các nhà thầu Việt đã đảm nhận thi công các gói thầu cao tốc từ 3.000 tỷ - 8.000 tỷ đồng. Sau năm 2025, nhà thầu Việt sẽ có khả năng thực hiện các gói thầu cao tốc có quy mô đến gần 16.000 tỷ đồng. Việc phân chia quy mô các gói thầu của Bộ GTVT đã “cân đong” nhiều yếu tố. Việc ít thành viên trong liên danh hoặc các nhà thầu đảm nhận độc lập sẽ dễ quản lý hơn, nhưng với năng lực hiện tại, nhà thầu Việt Nam chưa đủ khả năng để thực hiện riêng lẻ, độc lập các gói thầu cao tốc.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu, pháp luật về đấu thầu không hạn chế số lượng thành viên trong liên danh nhà thầu. Vấn đề lớn nhất của các gói thầu là quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng sau đấu thầu, việc huy động nhân sự, máy móc, thiết bị… để thi công công trình bảo đảm chất lượng và tiến độ, tránh để xảy ra tình trạng “bán thầu”, chuyển nhượng thầu trái pháp luật, chứ không phải vấn đề mỗi gói thầu hàng nghìn tỷ đồng có 2, 3 hay 5 thành viên liên danh thực hiện. Nếu quản lý không tốt, giám sát không chặt thì dù có giao công trình lớn cho 1 nhà thầu vẫn có khả năng xảy ra các bất cập, sai phạm trong đấu thầu.

Một chuyên gia về đầu tư cho rằng, để tránh xảy ra tình trạng “bán thầu”, “băm nát” gói thầu trong quá trình thi công, ngoài việc quản lý, giám sát chặt, “danh tính” nhà thầu được chỉ định trúng thầu thi công cao tốc cần công khai rộng rãi, “niêm yết” ở các hạng mục công trình lớn. Qua đó tăng cường sự giám sát của xã hội đối với quá trình thi công, đồng thời khơi dậy trách nhiệm, lòng tự trọng, động lực bảo vệ uy tín, danh dự của nhà thầu trong quá trình thi công công trình, góp phần đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án cao tốc.

Chuyên đề