Phân cấp quản lý chất lượng công trình thủy điện còn bất cập

(BĐT) - Báo cáo trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện trình cho thấy vẫn còn có những tồn tại, bất cập trong phân cấp để quản lý chất lượng công trình thủy điện.
Một số công trình thủy điện  trong quá trình xây dựng vẫn xảy ra sự cố. Ảnh minh họa: Internet
Một số công trình thủy điện trong quá trình xây dựng vẫn xảy ra sự cố. Ảnh minh họa: Internet

Nổi cộm là vấn đề thiếu cán bộ chuyên môn liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như: thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông,... tại các Sở Công Thương. Cụ thể là qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, việc quản lý chất lượng công trình của các Sở Công Thương từ khâu thẩm định thiết kế đến việc tổ chức, thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu còn tồn tại một số vấn đề, chưa theo đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Việc phối hợp giữa Sở Công Thương hoặc chủ đầu tư các dự án thủy điện với các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn thẩm tra để thẩm tra, thẩm định thiết kế công trình còn bị hạn chế, tồn tại. Lý do là Sở Công Thương và chủ đầu tư các dự án thủy điện chưa nắm bắt được đầy đủ, chính xác thông tin về năng lực và kinh nghiệm thực sự của chuyên gia, đơn vị tư vấn; chưa có chuyên môn để lựa chọn được chuyên gia, đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm hoặc đưa ra yêu cầu đầy đủ về nội dung cần thẩm tra cũng như đánh giá chất lượng kết quả thực hiện của chuyên gia, đơn vị tư vấn thẩm tra.  

Do không đủ năng lực chuyên môn nên một số Sở Công Thương đã và đang đề nghị Bộ Công Thương giúp đỡ hoặc hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ được giao theo phân cấp hiện nay như: thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu,...

Bên cạnh đó, kinh phí chi trả cho các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn thẩm tra có kinh nghiệm còn thấp. Hơn nữa, hầu hết các dự án thủy điện thuộc khu vực miền núi, đi lại khó khăn, cách xa các trung tâm thành phố (hầu hết các đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm thì chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang,...) nên không thực sự quan tâm đến việc thẩm tra do kinh phí cho công tác này không nhiều, trong khi phải chi phí lớn cho việc đi lại, ăn ở,...phục vụ khảo sát, thu thập tài liệu, báo cáo kết quả thẩm tra.

Trong cơ cấu nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn. Xét chung trong hệ thống điện quốc gia, các dự án thủy điện đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 37% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, trong đó sẽ phát triển công suất nguồn thủy điện đến năm 2020 đạt khoảng 21.600 MW; năm 2025 đạt khoảng 23.400 MW; năm 2030 đạt khoảng 25.400 MW.

Chuyên đề