Phân bổ, điều chỉnh vốn đầu tư công 2021 - 2025: Kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tỷ lệ 96,36% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn vốn ngân sách trung ương (TW) giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TW năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quốc hội điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương. Ảnh: Song Lê
Quốc hội điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương. Ảnh: Song Lê

Theo đó, hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công được phân bổ, điều chỉnh nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023 cũng như trong trung hạn.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị phân bổ 13.369,468 tỷ đồng số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH cho các bộ, cơ quan TW và địa phương để thực hiện các dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Giao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Luật ĐTC.

Đối với phân bổ, điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội quyết nghị phân bổ 444,407 tỷ đồng kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phân bổ 25.995,167 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan TW và địa phương; giao Thủ tướng chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đối với 62.364,060 tỷ đồng kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho các Bộ, cơ quan TW và địa phương theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, giao Thủ tướng chỉ đạo rà soát, giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội cũng quyết nghị phân bổ 1.208,188 tỷ đồng vốn ngân sách TW năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương .

Bên cạnh đó, Quốc hội điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho 10 địa phương, trong đó có Khánh Hòa 1.845 tỷ đồng; Đắk Lắk 1.641 tỷ đồng...

Quốc hội cũng quyết định giảm 2.948,863 tỷ đồng của các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025 để tăng tương ứng cho các nhiệm vụ, dự án không thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và các dự án đã được giao Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhưng khác ngành, lĩnh vực với dự án điều chỉnh giảm.

Đối với 53.049,202 tỷ đồng còn lại của kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025 đến nay chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, đưa vào dự phòng của kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025.

Quốc hội quyết nghị phân bổ 25.995,167 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Ảnh: Lê Tiên

Quốc hội quyết nghị phân bổ 25.995,167 tỷ đồng số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thông qua Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, tạo động lực mới cho các ngành, lĩnh vực địa phương, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết với số phiếu tán thành rất cao thể hiện rõ sự đồng lòng trong việc phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn tới. Theo ông Cường, trong bối cảnh cầu thế giới cũng như trong nước bị thu hẹp, việc đẩy mạnh đầu tư công là rất quan trọng nhằm tạo động lực cho phát triển KTXH.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc phân bổ vốn đúng, đủ và hợp lý sẽ tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế. Nghị quyết được thông qua sẽ giúp nguồn lực rất lớn của đất nước được đưa vào các lĩnh vực cần phát triển nhất, giúp cho các ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trước đó, trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ khẳng định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, việc phân bổ vốn vẫn còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 là do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Để nguồn vốn sau khi được Quốc hội thông qua sớm được đi vào cuộc sống, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, Chính phủ cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại thực trạng phân bổ vốn thời gian qua, trên cơ sở đó nhanh chóng phân bổ vốn một cách hợp lý, kịp thời giúp cho các dự án được hấp thụ vốn nhanh nhất.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, kế hoạch ĐTC trung hạn vốn ngân sách TW giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định; đồng thời giao dự toán và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TW năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc thực hiện; chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, bảo đảm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng pháp luật, đúng mục đích, đạt hiệu quả...

Chuyên đề