Phá “tảng băng” lợi ích nhóm trong mua sắm thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gần đây, một số lãnh đạo bệnh viện kêu khó trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm (TTBYT), cho rằng hàng hóa trúng thầu chủ yếu vì giá rẻ nhưng chất lượng kém do thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu như trường hợp “dao rạch 3 lần mới qua da”, “ống sonde nội khí quản quá cứng gây chảy máu”... 
Việc đấu thầu khép kín không khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật trong khu vực y tế công lập. Ảnh: Tiên Giang
Việc đấu thầu khép kín không khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật trong khu vực y tế công lập. Ảnh: Tiên Giang

Tuy nhiên, theo ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thiết bị y tế TP.HCM, nguyên nhân chủ quan từ phía người thực thi - người “ra đề bài” mới là yếu tố quyết định dẫn tới tình trạng này.

Ông Hứa Phú Doãn

Ông Hứa Phú Doãn

Yếu tố chủ quan của người thực thi chi phối thế nào trong cuộc thầu mua sắm TTBYT hiện nay, thưa ông?

Vòng tròn khép kín trong mua sắm, đấu thầu TTBYT là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay. Những vụ đại án trong ngành y tế bị xử lý thời gian qua đã làm bộc lộ sâu sắc hơn bất cập này.

Thực tế, ngay khi đọc hồ sơ mời thầu (HSMT), các nhà thầu đã biết chắc chắn là chủ đầu tư muốn nhắm đến ai. Các chiêu thức hạn chế nhà thầu được cài cắm trong “đề bài” khá phổ biến như: điều kiện về cấu hình, đội ngũ nhân viên, thời gian giao hàng, giấy phép bán hàng (GPBH), hợp đồng tương tự… Ví dụ, HSMT “bê” nguyên cấu hình kỹ thuật của một hãng cụ thể. Cấu hình của hãng nào thì đương nhiên chỉ có hàng hóa của hãng đó trúng thầu. Nhiều hãng chỉ cấp GPBH cho một doanh nghiệp (DN) duy nhất, dẫn tới sự độc quyền. Hay HSMT yêu cầu thời gian giao hàng rất ngắn như thời hạn giao giường bệnh trong 4 tuần… Trừ khi nhà thầu biết trước “đề bài” hoặc đã giao hàng từ trước, còn lại không thể chuẩn bị kịp.

Một bất cập nữa được nhiều nhà thầu phản ánh là yêu cầu về hợp đồng tương tự, cả về tài chính và kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm làm hạn chế cạnh tranh. Đơn cử như một gói thầu lắp đặt hệ thống xử lý nước thải y tế 1.000 m3/ngày đêm có giá trị khoảng 10 tỷ đồng, nhưng qua thẩm định, giá được đẩy lên cao ngất ngưởng là 30 tỷ đồng. Chỉ nhà thầu nào có hợp đồng tương tự trị giá 25 tỷ đồng trở lên mới có thể dự thầu. Thực tế, số lượng này rất ít, thậm chí nhiều địa phương không có…

Việc mua sắm TTBYT khép kín như trên gây ra hệ lụy gì?

Việc thiếu minh bạch, chủ đầu tư thao túng cuộc thầu đã làm nảy sinh tình trạng lợi ích nhóm trong việc mua sắm vật tư, TTBYT.

Trong nhiều năm qua, những cuộc thầu mua sắm TTBYT ở khu vực công gần như quanh đi quẩn lại chỉ tập trung vào một nhóm dưới 10 nhà thầu, trong khi cả nước hiện có đến 2.000 DN cung ứng TTBYT, đa dạng và phong phú về chủng loại. Những nhà thầu khác, đặc biệt là những DN mới gần như không có “cửa” để thâm nhập vào các gói thầu này, hàng hóa nước ngoài triển lãm xong rồi về, dù TTBYT đó có kỹ thuật cao hơn, tiên tiến hơn.

Điều này dẫn đến tình trạng TTBYT trong các cơ sở y tế công lập thường lạc hậu, lỗi thời so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chênh lệch với khu vực y tế tư nhân, cho dù cùng một đồng vốn bỏ ra.

Mặt khác, việc đấu thầu khép kín sẽ không khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật trong khu vực y tế công lập cũng như các DN trong ngành công nghiệp này.

Có hai nguyên nhân dẫn đến bài thầu thiếu tính cạnh tranh, một là do trình độ của tư vấn yếu, không đưa ra được cấu hình có thể thu hút nhiều nhà thầu tham gia; hai là tư vấn bắt tay với chủ đầu tư/bên mời thầu cố tình hạn chế cạnh tranh để nhà thầu quen trúng thầu. Trong đó, nguyên nhân thứ hai chiếm đa số. Việc kiểm soát bài thầu hiện chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đây là yếu tố chính quyết định hiệu quả của cuộc thầu.

Giải pháp nào để phá “tảng băng” lợi ích nhóm này, thưa ông?

Trước tiên, gói thầu do sở y tế làm chủ đầu tư thì nên giao cho sở kế hoạch và đầu tư tổ chức đấu thầu, thẩm định; hoặc lựa chọn các hiệp hội ngành nghề có trình độ chuyên môn thẩm định về tiêu chí công nghệ, kỹ thuật trong HSMT…

Cùng với đó, nhà thầu tư vấn phải được lựa chọn thông qua đấu thầu rộng rãi, hoặc phải thay đổi thường xuyên, tránh tình trạng hình thành ekip: chủ đầu tư/bên mời thầu nào thì đơn vị tư vấn đó. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn phải do một cơ quan chức năng độc lập với chủ đầu tư/bên mời thầu thực hiện thì mới triệt tiêu được lợi ích nhóm.

Thay vì quy trình mua sắm, đấu thầu phải trải qua nhiều bước, thì có thể cắt giảm bớt thủ tục phê duyệt, thẩm định và tăng cường hậu kiểm để rút ngắn thời gian.

HSMT có mức độ cạnh tranh càng cao thì càng có nhiều nhà thầu tham dự, giá cả càng cạnh tranh. Chỉ khi bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao tính cạnh tranh trong mua sắm TTBYT thì mới có thể lựa chọn được hàng hóa với giá cả hợp lý mà vẫn bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.

Chuyên đề