OPEC chưa chốt kế hoạch giảm sản lượng, giá dầu sụt mạnh

Giá dầu thế giới lại giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi OPEC không đưa ra được một kế hoạch cắt giảm sản lượng cụ thể...
Thị trường lo ngại rằng OPEC và đối tác sẽ đi đến một kế hoạch giảm sản lượng, nhưng mức giảm sẽ không lớn để tránh khiến ông Trump "bực mình".
Thị trường lo ngại rằng OPEC và đối tác sẽ đi đến một kế hoạch giảm sản lượng, nhưng mức giảm sẽ không lớn để tránh khiến ông Trump "bực mình".

Giá dầu thế giới lại giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không đưa ra được một kế hoạch cắt giảm sản lượng cụ thể. Thay vào đó, OPEC sẽ đợi cho tới khi họp với các đối tác khác vào ngày thứ Sáu.

Mối lo rằng các nước sản xuất dầu lớn không thể đạt thỏa thuận giảm mạnh sản lượng đang gây sức ép giảm lên giá dầu. Tuy nhiên, dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này lần đầu tiên giảm trong 11 tuần đã giúp giá "vàng đen" đóng cửa ở mức cao hơn nhiều so với mức đáy của phiên - trang MarketWatch cho hay.

Kết thúc cuộc họp ở Vienna, Áo, OPEC vẫn chưa quyết định mức sản lượng dầu sẽ cắt giảm. Các quan chức của nhóm này nói sẽ bàn về con số cụ thể khi họp với các đối tác ngoài khối, gồm Nga, vào ngày thứ Sáu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ mất 1,4 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 51,49 USD/thùng.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau hạ 1,5 USD/thùng, tương đương giảm 2,4%, còn 60,06 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá hai loại dầu này giảm khoảng 4%, khiến giá dầu WTI về sát mức 50 USD/thùng và giá dầu Brent tuột khỏi mốc 60 USD/thùng.

Sau khi thị trường đóng cửa, hãng thông tấn Tass của Nga nói rằng OPEC đã đạt một "thỏa thuận sơ bộ" về cắt giảm sản lượng, nhưng mức cắt giảm cụ thể vẫn chưa được quyết định. Tass cũng dẫn nguồn thạo tin nói rằng mức cơ sở cho việc cắt giảm sản lượng sẽ là mức sản lượng của tháng 10/2018.

Theo ông Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao của US Bank, giá dầu đang chịu áp lực giảm "từ sự bán tháo trên thị trường chứng khoán và nỗi hoài nghi về việc OPEC có thể đưa ra mức cắt giảm sản lượng đủ lớn để nâng giá dầu".

"Sản lượng khai thác dầu của Mỹ vẫn ở mức cao. Nếu giá dầu giữ ở mức thấp thế này, sản lượng dầu của Mỹ có thể chững lại. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng tôi tin rằng giá dầu vẫn đang chịu áp lực giảm, cho dù OPEC có hạ sản lượng", ông Haworth nói.

OPEC đang đứng trước áp lực phải "vực dậy" giá dầu, bởi giá năng lượng này đã giảm hơn 30% sau khi đạt đỉnh của 4 năm vào đầu tháng 10. Nỗi lo về sự thừa cung dầu toàn cầu, cùng với những tín hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới đã khiến giá dầu WTI sụt 22% trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Mặc khác, khối này cũng chịu sức ép ngược lại từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người liên tục kêu gọi OPEC không giảm sản lượng để giữ giá dầu ở mức thấp.

Hiện OPEC đang có với một số vấn đề nội bộ khiến khối này gặp khó khăn trong việc đi đến một thỏa thuận cắt giảm sản lượng với mức cắt giảm đủ lớn để hỗ trợ giá dầu. Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ Ba trong OPEC, ngày 6/12 tuyên bố không thể tham gia bất kỳ kế hoạch hạ sản lượng dầu nào cho tới khi Mỹ dỡ lệnh trừng phạt đối với nước này.

Thị trường lo ngại rằng OPEC và đối tác sẽ đi đến một kế hoạch giảm sản lượng, nhưng mức giảm sẽ không lớn để tránh khiến ông Trump "bực mình". Trong trường hợp đó, áp lực giảm giá đối với dầu vẫn sẽ lớn.

Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày thứ Năm, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 7,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 30/11, đánh dấu tuần giảm đầu tiên sau 10 tuần tăng liên tục.

Trước đó, giới phân tích dự báo dự trữ này giảm 2,4 triệu thùng, còn dữ liệu của Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) công bố hôm thứ Ba nói dự trữ tăng 5,4 triệu thùng.

Chuyên đề