Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7/11 - Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/11 tuyên bố rằng ông đã "có công" khiến giá dầu đi xuống, bác bỏ vai trò của các lực lượng thị trường khiến giá dầu thế giới tụt sâu khỏi ngưỡng cao nhất 4 năm thiết lập vào tháng trước.
Ngoài ra, theo hãng tin CNBC, dướng như ông Trump cũng như phát tín hiệu rằng Washington có thể sẽ không thắt chặt lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu lửa Iran nếu giá dầu tăng trở lại. Ông chỉ nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran "có thể" sẽ được tăng cường, chứ không khẳng định chắc chắn.
Ông Trump không nói rõ vì đâu mà ông nhận mình là người khiến giá dầu giảm, nhưng ông liên hệ việc giá "vàng đen" lao dốc với sự chỉ trích mà ông nhằm vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và chính sách của chính quyền ông đối với Iran.
Hôm thứ Sáu, Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp miễn trừ đối với 8 nền kinh tế, cho phép các quốc gia và vùng lãnh thổ này được tiếp tục nhập khẩu dầu Iran trong vòng 180 ngày mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC, được áp đặt trở lại vào hôm thứ Hai tuần này.
"Tôi đã cho một số nước được tiếp tục nhập dầu Iran", ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. "Tôi làm vậy một phần vì họ nhờ giúp, nhưng chủ yếu vì tôi không muốn đẩy giá dầu lên 100 hay 150 USD/thùng. Tôi muốn hạ giá dầu xuống", ông nói.
"Nếu nhìn vào giá dầu, các bạn sẽ thấy giá đã giảm nhiều trong vòng 2 tháng qua. Đó là nhờ tôi. Vì có một tổ chức độc quyền tên là OPEC và tôi không thích sự độc quyền đó", ông Trump nói.
Giá dầu thế giới hiện đã giảm khoảng 20% kể từ mức đỉnh của 4 năm thiết lập hôm 3/10. Tuy nhiên, từ sau khi chính quyền ông Trump công bố biện pháp miễn trừ hôm thứ Sáu, giá dầu Brent mới giảm khoảng 1% và giá dầu WTI giảm khoảng 3%.
Phần lớn sự giảm giá của dầu 5 tuần qua được cho là liên quan tới sự ban tháo tài sản rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. Đợt bán tháo trong tháng 10 đã khiến chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ có tháng giảm tồi tệ nhất 7 năm.
Một nhân tố khác khiến giá dầu giảm là sự đồng thuận ngày càng lớn trên thị trường rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ không tăng mạnh như dự báo trước đó. Gần đây, các tổ chức dự báo đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu do lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá đồng tiền của các thị trường mới nổi.
Mặc dù vậy, ông Trump có thể "nhận công" khiến giá dầu giảm ở một nhân tố thứ ba. Sản lượng dầu của Saudi Arabia, Nga và một số nước xuất khẩu dầu khác đang tăng lên. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc các nước này tăng sản lượng một phần xuất phát từ việc chính quyền ông Trump đề nghị Saudi Arabia khai thác thêm dầu để bù đắp tác động của lệnh trừng phạt đối với Iran.
Ngoài ra, OPEC và các đối tác cũng lo ngại giá dầu tăng cao quá sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm sút. Đây là một lý do khác khiến họ nhất trí nâng sản lượng trở lại trong năm nay, đảo ngược chính sách hạn chế nguồn cung áp dụng từ năm 2017.
Trên thực tế, thị trường dầu lửa xem quyết định của ông Trump về nối lại các biện pháp trừng phạt Iran là chất xúc tác chủ yếu khiến giá dầu tăng cao.
Giá dầu đã tăng khoảng 7 USD/thùng trong vòng 1 tháng trước khi ông Trump vào tháng 5 chính thức tuyên bố từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và nối lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Tháng 10 vừa qua, nỗi lo về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt Iran đối với nguồn cung dầu đã đẩy giá dầu WTI lên gần 77 USD/thùng và giá dầu Brent vượt ngưỡng 86 USD/thùng, cao nhất từ cuối năm 2014.
Phát biểu ngày thứ Tư, ông Trump nói giá dầu có thể dễ dàng tăng trở lại và phát tín hiệu rằng Nhà Trắng có thể sẽ mềm mỏng hơn với Iran.
"Chúng tôi sẽ để dòng dầu tiếp tục được chảy đến những quốc gia thực sự cần, vì tôi không muốn đẩy giá dầu lên 100 hay 150 USD/thùng, một điều rất dễ xảy ra. Thị trường rất, rất mong manh", ông nói.
Ông Trump khẳng định việc tái trừng phạt Iran là "quyết định hoàn toàn đúng đắn" và các biện pháp trừng phạt đó sẽ "trở nên cứng rắn hơn theo thời gian, có thể, nhưng tôi không muốn gây ảnh hưởng lên giá dầu… vì tôi xem đó như một loại thuế, mà tôi chẳng thích thuế".
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu WTI giao sau tại Mỹ giảm phiên thứ 8 liên tiếp, xuống mức thấp nhất 8 tháng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo hàng tuần cho biết tồn kho dầu thô của nước này tăng thêm 5,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/11, một mức tăng mạnh hơn dự báo và đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp.
Giá dầu WTI chốt phiên hạ 0,54 USD/thùng, tương đương giảm 0,9%, còn 61,67 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,06 USD/thùng, còn 72,07 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của dầu Brent kể từ hôm 17/8.