Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở bang Texas hôm 17/10 - Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Donald Trump ngày 21/10 nói rằng nỗ lực chấm dứt thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra tốt đẹp. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Washington và Bắc Kinh tiếp tục cuộc đối đầu về kinh tế và thương mại trên phạm vi toàn cầu, cho dù mới đây đạt một thỏa thuận hòa hoãn.
Tuần trước, ông Trump nói ông hy vọng thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" Mỹ-Trung sẽ được ký kết vào giữa tháng 11. Đây là thỏa thuận mà hai nước đạt được trong vòng đàm phán cấp cao diễn ra ở Washington vào đầu tháng 10 nhưng mới là thỏa thuận "miệng", chưa thành văn kiện.
"Việc đàm phán thỏa thuận với Trung Quốc đang diễn ra rất tốt đẹp. Họ muốn đi đến một thỏa thuận", ông Trump nói với các nhà báo vào ngày thứ Hai, nhấn mạnh ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc. "Họ muốn thỏa thuận vì chuỗi cung ứng của họ đang tụt dốc".
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng chính quyền ông Trump vẫn muốn hoàn tất một thỏa thuận thương mại một phần với Trung Quốc để kịp ký kết trong dịp hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Chile vào ngày 16-17/11. Tuy nhiên, ông Lighthizer cũng nói giữa hai bên còn nhiều vấn đề lớn chưa thống nhất được.
Theo ông Lighthizer, các cuộc gặp cấp thứ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra vào ngày thứ Hai, và theo dự kiến vào ngày thứ Sáu, ông và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin sẽ trao đổi với các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc.
Phát biểu trên kênh Fox Business Network, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross kiềm chế kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung được ký kết vào tháng tới. Ông nói thời điểm ký thỏa thuận không quan trọng bằng việc đạt "thỏa thuận đúng đắn".
Cũng xuất hiện trên Fox Business Networks, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói thuế quan 15% mà Mỹ dự kiến áp lên nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính bảng, có thể được rút lại nếu đàm phán có tiến bộ. Theo dự kiến, kế hoạch áp thuế này sẽ được triển khai vào giữa tháng 12.
Đầu tháng này, ông Trump đã hoãn kế hoạch tăng thuế quan bổ sung từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Kéo dài một năm rưỡi qua, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây nhiều xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới và khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh. Cộng đồng quốc tế đang gia tăng sức ép đòi hai nước kết thúc cuộc chiến với nhiều hệ lụy khó lường này.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương chiến Mỹ-Trung và các xung đột thương mại khác trên thế giới sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay, mức tăng yếu nhất 1 thập kỷ.
Trong lúc một bộ phận chủ chốt trong chính quyền ông Trump đang nỗ lực đi đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, một bộ phận khác tiếp tục "chiến đấu" với Trung Quốc trong những vấn đề khác. Tình trạng này đặt ra câu hỏi về sự điều phối chính sách về Trung Quốc trong nội bộ Chính phủ Mỹ.
Ngày thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói sẽ là "hoàn toàn không phù hợp" nếu Trung Quốc trả đũa doanh nghiệp Mỹ vì những bình luận liên quan đến phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Dù đàm phán thương mại Mỹ-Trung có tín hiệu tích cực, Trung Quốc vẫn đòi áp dụng các biện pháp trả đũa trị giá 2,4 tỷ USD đối với Mỹ vì Washington không tuân thủ phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong một vụ kiện thương mại thời Tổng thống Barack Obama.
Hồi tháng 7, trọng tài WTO ra phán quyết rằng Mỹ không tuân thủ đầy đủ phán quyết WTO trong vụ kiện trên và có thể bị Trung Quốc áp lệnh trừng phạt nếu không dỡ bỏ một số thuế quan nhất định vi phạm phán quyết.
Hồi giữa tháng 8, WTO "bật đèn xanh" cho phép Bắc Kinh triển khai các biện pháp trừng phạt. Khi đó, Mỹ tuyên bố không xem phán quyết của WTO là hợp pháp, cho rằng trọng tài đã "đưa ra diễn giải pháp lý sai trong tranh chấp này".
Phái đoàn Mỹ tại WTO ngày 21/10 nói rằng Trung Quốc vẫn là nước "vi phạm hàng loạt" quy định về trợ cấp của WTO.