Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Reuters) |
Trong cuộc họp báo bên lề diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg hôm nay 1/6, Tổng thống Putin một lần nữa lên tiếng bác bỏ các cáo buộc cho rằng Điện Kremlin đã ra lệnh tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ cũng như hòm thư điện tử của ông John Podesta, Chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
“Nga không làm việc này (tấn công mạng) ở cấp độ nhà nước”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Putin, mặc dù chính phủ Nga không liên quan gì việc can thiệp bầu cử Mỹ, nhưng có thể “những người Nga với tư tưởng yêu nước” đã làm việc này, xuất phát từ nguyện vọng cá nhân của họ. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng chính sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể đã trở thành chất xúc tác khiến một số cá nhân nảy sinh ý định tấn công mạng.
“Các tin tặc cũng là những người hoàn toàn tự do. Giống như các họa sĩ - những người thường dậy sớm vào buổi sáng với tâm trạng vui vẻ và bắt đầu vẽ tranh, các tin tặc cũng vậy. Họ cũng thức dậy, sau đó đọc một vài tin tức về mối quan hệ giữa các quốc gia. Và nếu là những người có khuynh hướng yêu nước, họ có thể tìm cách đóng góp một phần công sức vào cuộc chiến chống lại những người đang tìm cách nói xấu Nga”, ông Putin nói.
“Nhìn từ quan điểm của họ, họ cho rằng việc làm này (can thiệp bầu cử) là đúng”, Tổng thống Nga cho biết.
Làm giả bằng chứng tố cáo Nga
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cho rằng một số bằng chứng, trong đó tố cáo các tin tặc Nga dính líu tới các cuộc tấn công mạng, có thể đã bị làm giả với mục đích bôi nhọ hình ảnh nước Nga.
“Tôi có thể đoán rằng một số người nào đó đã cố tình làm việc này. Họ đã dàn xếp một loạt các cuộc tấn công mạng theo cách nào đó để đổ vấy cho Nga là bên gây ra cuộc tấn công. Các công nghệ hiện đại ngày nay có thể cho phép con người làm việc đó một cách khá dễ dàng”, Tổng thống Putin cho biết.
Phát biểu trước báo giới hôm nay, nhà lãnh đạo Nga cho rằng dù các tin tặc là công dân của nước nào đi chăng nữa thì cũng khó có thể làm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử vì nhận thức của công chúng trong việc lựa chọn lãnh đạo không thể bị bóp méo một cách dễ dàng như vậy.
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng không một tin tặc nào có thể can thiệp chiến dịch bầu cử của một nước khác. Không một tin tặc nào có thể ảnh hưởng tới chiến dịch bầu cử ở bất kỳ nước nào tại châu Âu, châu Á hay châu Mỹ”, ông chủ Điện Kremlin khẳng định.
Trước đó, một số cơ quan của chính phủ Mỹ đã cáo buộc Nga can thiệp vào hòm thư điện tử của đảng Dân chủ để giúp ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Các cơ quan tình báo của lưỡng viện Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đều đã vào cuộc để làm rõ nghi vấn trên, bất chấp mọi sự phủ nhận của Nga.