Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, nếu không khẳng định được chất lượng thì gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu như vậy. Ảnh: QH |
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao khi một số báo trích dẫn phát ngôn của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An), rằng 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn.
Thông tin trên khiến nhiều người bị sốc, lo lắng không biết liệu rằng loại gạo mình đang ăn hàng ngày phải chăng cũng là gạo "bẩn" và có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không.
Anh hùng lao động, cha đẻ của gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, ông Hồ Quang Cua bức xúc: Ý kiến này bôi bác gạo của Việt Nam đang xuất khẩu trên thế giới.
Ông Cua cho biết hiện số đăng ký để làm gạo Global Gap, VietGap chỉ chiếm 1% diện tích, cho nên nếu nói như vậy thì 99% gạo là ... bẩn. Trong khi đó, đơn cử như năm nay, Việt Nam xuất khẩu gạo đi các nước rất nhiều.
"Vậy với 90% gạo bẩn như thế thì Việt Nam lấy gạo ở đâu để xuất khẩu?" - ông Cua bức xúc.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cũng lên tiếng về vấn đề này. Theo ông Cường, Việt Nam không phải một mình một chợ trong xuất khẩu gạo mà cũng phải chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ. Do đó, nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vừa qua.
"Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Thị trường nhập khẩu nào dù là cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng. Khi họ kiểm tra đạt chất lượng an toàn thực phẩm thì họ mới nhập khẩu, nếu sản phẩm có vấn đề làm sao họ chấp nhận?" - ông Cường cho hay.
Do đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét cảm tính.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua. Thậm chí làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt mà ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua.
Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên lúa, ông Hồ Quang Cua cho biết trong 10 năm trở lại đây, Bộ NN&PTNT đã cấm rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Trên thị trường cũng không còn bán nữa. Đồng thời nhận thức của người nông dân càng về sau càng tốt hơn nên gạo Việt Nam hiện nay chất lượng tốt hơn trước rất nhiều.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cũng cho biết, nhiều năm trở lại đây, thói quen sử dụng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân đã giảm hơn trước rất nhiều.
Người nông dân rất tuân thủ việc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh của cơ quan Nhà nước. Họ cũng tìm hiểu rất kỹ xem loại thuốc nào cho hiệu quả và an toàn cho sức khỏe, kể cả động tác phun thuốc cũng rất đúng cách.
"Nếu gạo không đảm bảo an toàn, chỉ một lần kiểm tra mẫu thấy không đảm bảo thì chắc chắn từ các lần sau rất khó bán hàng. Bởi vậy hiện giờ người dân rất chú trọng đến chất lượng thóc gạo. Hiện nay, về cơ bản gạo của mình là an toàn" - ông Dương khẳng định.
Ông Phạm Thái Bình nói gì về gạo "bẩn", gạo "sạch"?
Một số báo trích dẫn lời phát biểu của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại toạ đàm trực tuyến “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA: Hàng Việt cần gì” diễn ra ngày 3/9 như sau: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn... Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường,... ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo".
Để làm rõ vấn đề hơn, chúng tôi đã liên hệ với ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An. Ông Bình cho biết: "Tôi nói theo cách nói của ngành gạo, tức là gạo đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap trở lên là "gạo sạch", còn gạo không đạt các tiêu chuẩn trên trở lên là gạo "bẩn". Gạo còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo là gạo bẩn nhưng không phải là gạo dơ bẩn".
Theo ông Bình, thông tin trên được ông nói ra trong hội nghị Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA mới được tổ chức vào ngày 3/9 vừa qua. Ông Bình cho rằng mục đích khi nói như vậy để cảnh báo người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm hàng ngày sao cho thông minh.
"Báo đã cắt khúc để gây sốc cộng đồng mạng và quy tội cho tôi" - ông Bình cho hay.