Ông Chen Lian Pang, Tổng Giám đốc CapitaLand Việt Nam.
PARCSpring được bàn giao cho cư dân từ 2014 và sau đó đã có Ban Quản trị từ khoảng hai năm nay. Với trách nhiệm của chủ đầu tư, CapitaLand Việt Nam vẫn tiếp tục hỗ trợ để chung cư được vận hành tốt. Khi xảy ra vụ cháy vào ngày 1/4/2018, hệ thống báo cháy và thang thoát hiểm đều hoạt động tốt, cũng như các thiết bị chữa cháy khác. Công việc chữa cháy tại chỗ do Ban Quản trị triển khai đã làm việc rất hiệu quả. Ban Giám đốc CapitaLand Việt Nam cũng kịp thời có mặt để phối hợp cùng Ban Quản trị để ổn định tình hình. Trước đó cư dân được diễn tập PCCC nên mọi người bình tĩnh. Đội PCCC của Quận 2 cũng có mặt rất kịp thời và hiệu quả. Chúng tôi rất mừng là không có thương vong xảy ra.
Đương nhiên khi sống trong chung cư cao tầng, vai trò của chủ đầu tư là rất quan trọng đối với công tác PCCC, thưa ông?
Dĩ nhiên vai trò chủ đầu tư là quan trọng nhất, tuy nhiên, vai trò của Ban Quản trị cũng rất quan trọng. Vì chủ đầu tư có gắn các thiết bị PCCC đúng qui cách, gắn đủ chuông báo cháy và vòi phun nước chữa cháy, cũng như thiết kế thang thoát hiểm có áp lực đóng chặt cửa không cho khói và lửa lọt vào. Nhưng, nếu Ban Quản Trị không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, không hướng dẫn cư dân đúng cách, thì khi hỏa hoạn xảy ra, chuông không kêu, nước không phun (hoặc bồn nước bị cạn), thang thoát hiểm bị mở toang cửa, chắc chắn cư dân sẽ lãnh hậu quả. Vừa rồi ở PARCSpring, chúng ta có thể thấy Ban Quản trị ở đó làm việc rất tốt.
Ở các dự án do CapitaLand Việt Nam làm chủ đầu tư, việc bầu Ban Quản trị tòa nhà được tiến hành như thế nào?
Sau khi cư dân dọn vào sống, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý tòa nhà, cho mọi thứ vận hành tốt. Sau đó chừng hai năm, chúng tôi sẽ tổ chức bầu Bản Quản trị, bàn giao lại công tác quản lý tòa nhà cho họ. Như ở PARCSpring, sau hai năm thì có Bản Quản trị và họ làm việc có trách nhiệm. Tuy nhiên, ở nhiều chung cư cao tầng khác, rất tiếc là cư dân nhiều khi muốn lập Bản Quản trị gấp trong khi tòa nhà chưa vận hành tốt, dẫn đến tình trạng Bản Quản trị không đủ năng lực quản lý. CapitaLand Việt Nam chúng tôi luôn có trách nhiệm quản lý tốt tòa nhà, thiết lập các qui cách theo đúng qui trình, đảm bảo mọi thứ vào nề nếp rồi mới tổ chức bầu Việt Nam. Chúng tôi không thể vì chiều lòng một nhóm nhỏ chừng vài chục cư dân gấp gáp bầu Việt Nam mà bỏ mặc hàng ngàn cư dân khác trong cả tòa nhà cần đến vai trò của chúng tôi. CapitaLand Việt Nam có bộ phận quản lý tòa nhà, chúng tôi thường xuyên đến các dự án của mình để kiểm tra, hỗ trợ và đảm bảo các tòa nhà được vận hành tốt.
Người dân nghĩ rằng sống trong nhà phố sẽ an toàn hơn chung cư cao tầng khi hỏa hoạn xảy ra, ông nghĩ sao?
Hoàn toàn ngược lại, sống trong chung cư cao tầng an toàn hơn ở nhà phố khi có hỏa hoạn, vì chung cư cao tầng phải đáp ứng yêu cầu của luật PCCC và phải có công tác kiểm tra, bảo trì của ban quản lý, ban quản trị tòa nhà. Khi lửa chỉ vừa phát ra, hệ thống báo cháy đã kêu vang báo động, vòi phun nước chữa cháy được kích hoạt xả nước xuống, thiết bị hút khói cũng hoạt động. Cửa chống cháy chịu được lửa đến 70 phút. Tòa nhà cũng thiết kế khoảng cách từ căn hộ đến thang thoát hiểm là 25 mét. Cư dân có đủ thời giờ (70 phút) đi xuống phía dưới bằng thang thoát hiểm. Thang thoát hiểm là nơi rất an toàn trong hỏa hoạn, vì có cửa chống cháy, có hệ thống áp lực vận hành, lửa và khói không thể lọt vào.
Nói một cách cụ thể, chủ đầu tư khi xây dựng đã sử dụng cửa chống cháy chịu được lửa đến 70 phút, giúp cư dân đủ thời giờ để thoát hiểm và giảm tốc độ lửa lan ra các khu vực khác. Một ví dụ khác là khoảng cách từ cửa căn hộ đến thang thoát hiểm là 30 mét cho hành lang một chiều và 70 mét cho hành lang hai chiều (theo luật PCCC Singapore) và ngắn hơn theo luật PCCC Việt Nam, là 25 mét cho hành lang một chiều và 40 mét cho hành lang hai chiều. Khoảng cách càng ngắn, cư dân càng nhanh đến được thang thoát hiểm.
Hiện nay thang chữa cháy chỉ lên đến tầng 10, vậy cư dân sống ở tầng cao hơn thì phải ứng phó ra sao?
Nếu chung cư được xây đúng cách và được vận hành đúng cách như tôi chia sẻ ở trên, thì cư dân ở trên lầu cao không có gì phải lo lắng khi hỏa hoạn xảy ra. Vì có chuông báo cháy, có hệ thống nước phun, và dù ở lầu cao thì cư dân vẫn đủ thời giờ để đi xuống bằng thang thoát hiểm. Thang thoát hiểm chính là nơi bảo vệ bạn khi hỏa hoạn.
Nhân đây tôi mong cư dân có ý thức bảo vệ kỹ thang thoát hiểm vì đó là nơi cứu mạng bạn. Đừng dùng gạch chèn cửa để cửa mở toang, đừng vứt rác, đừng bỏ đồ vào thang. Khi cháy mà cửa mở thì buồng thang thoát hiểm coi như không còn chức năng thoát hiểm nữa. Khói tràn vào và đa phần nạn nhân hỏa hoạn là chết vì khói chứ chưa phải vì lửa.
Ông nói rõ hơn về cách vận hành thang thoát hiểm có áp lực?
Bạn hình dung thế này, qui luật tự nhiên thì nước chảy từ trên cao xuống, không thể chảy ngược. Vậy thì không khí cũng có chung qui luật, không thể tràn vào nơi có áp lực cao hơn. Buồng thang thoát hiểm có áp lực cao hơn bên ngoài, áp lực này đẩy không khí và khói lửa ra ngoài, không cho tràn vào. Vì thế khi có hỏa hoạn, khói lửa không lọt vào được, buồng thoát hiểm trở thành nơi an toàn nhất. Quạt tạo áp lực gắn ở trên cùng của buồng thang thoát hiểm, được vận hành 24/24 giờ bằng điện và bằng máy phát điện dự phòng khi có sự cố. Vì thế, áp lực luôn được duy trì cao hơn ở bên ngoài. Điều này rất quan trọng vì là nơi cứu mạng cư dân, nếu cửa bị chèn mở ra thì áp lực không còn nữa, khói lửa tràn vào. Vì thế, tôi mong cư dân có ý thức luôn kiểm tra thang thoát hiểm.
Vậy làm cách nào để kiểm tra xem thang thoát hiểm có trong tình trạng tốt hay không?
Khi bạn đẩy cửa vào buồng thang thoát hiểm, cửa hơi nặng, không thể dễ dàng đẩy vào được. Thì như vậy là áp lực bên trong cao hơn. Còn nếu cửa mở vào dễ dàng quá, có nghĩa là áp lực không đủ cao. Cư dân có trách nhiệm luôn đóng cửa lại để buồng thang thoát hiểm giữ được áp lực. Vì không có đủ áp lực để đẩy không khí ra ngoài thì thang thoát hiểm không còn chức năng thoát hiểm nữa, khói lửa sẽ tràn vào và cư dân sẽ lãnh hậu quả đáng tiếc.