Dung nham đỏ rực chảy ra từ một khe nứt của núi lửa Kilauea ở Hawaii ngày 17/5 - Ảnh: USSG. |
Một đợt phun trào nổ của ngọn núi lửa Kilauea ở Hawaii ngày 17/5 đã tạo một cột khói cao 9,1 km trong không trung - hãng tin BBC cho hay.
Vụ phun trào dữ dội trên xảy ra vào lúc 4h15 sáng ngày thứ Năm theo giờ địa phương, và các nhà khoa học cho biết hoạt động của ngọn núi lửa này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần.
Toàn bộ nhân viên tại đài quan sát núi lửa và công viên quốc gia Hawaii đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Khi núi lửa Kilauea bắt đầu hoạt động cách đây khoảng 2 tuần, dung nham nóng chảy đã đổ xuống hàng chục ngôi nhà ở khu vực lân cận và khiến hàng trăm người phải đi sơ tán.
Một vùng cảnh báo hàng không đã được thiết lập nhằm khuyến cáo các phi công thận trọng và tránh những đám mây tro bụi do núi lửa tạo ra.
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo rằng núi lửa Kilauea có thể sẽ có thêm một đợt phun trào dữ dội nữa, bởi hồ nham thạch của núi lửa này đang hạ thấp.
Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp của Hawaii khuyến cáo người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi tro bụi núi lửa ở nguyên trong nhà nếu có thể.
Kilauea là một trong 5 ngọn núi lửa hoạt động trên đảo Hawaii. Đây là một trong những ngọn núi lửa có nhiều hoạt động nhất thế giới và thường xuyên phun trào, dù không phải là những đợt phun trào nổ, trong suốt hơn 30 năm qua.
Đợt phun trào nổ gần đây nhất của núi lửa Kilauea diễn ra vào năm 1924.
Thậm chí trước khi diễn ra vụ phun trào nổ vào ngày thứ Năm, cột khói bụi từ núi lửa Kilauea đã có thể được nhìn thấy từ Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).