Các bị cáo tại tòa. |
Ngày 13/12, phiên xử Nguyễn Thị Hoàng Oanh (57 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Bến Thành, Quận 1) và 11 đồng phạm kết thúc phần tranh luận.
Bị cáo buộc về hành vi tham ô 2.600 lượng vàng và giúp sức cho doanh nghiệp chiếm đoạt hơn 5.600 lượng, trước đó bà Oanh bị đề nghị án tử hình về các tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Nói lời sau cùng, bà Oanh thừa nhận đã làm nhiều việc sai phạm gây thiệt hại cho nhà băng, song bà xin tòa xem xét về tội danh Tham ô tài sản.
"Bị cáo đã có hơn 30 năm làm Đảng viên và cống hiến. Giờ bị cáo đã già, mong HĐXX giúp để được hiến xác cho y học sau khi thi hành án. Bị cáo mong gia đình chấp nhận và thấu hiểu quyết định này", bà Oanh nói và cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con rể, cấp dưới.
Sáu bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên ngân hàng thừa nhận sai phạm trong nghiệp vụ do phải chịu áp lực chỉ đạo từ cấp trên. Họ đề nghị tòa xem xét về cáo buộc đồng phạm với Oanh trong tội Tham ô.
Bà Oanh xin hiến xác khi thi hành án.
Có vai trò đồng phạm với Tính về hành vi lừa đảo, vợ con ông này xin tòa được hưởng án treo. Họ đồng ý để Tính sử dụng tên để thành lập công ty với mục đích giúp làm ăn chứ không nhằm mục đích lừa đảo.
Trước đó, luật sư của bà Oanh cho rằng thân chủ không phạm các tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ, chỉ chỉ sai sót trong quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nhưng phạm tội do hoàn cảnh và sức ép chi tiêu.
Còn luật sư của Agribank đề nghị HĐXX buộc Oanh và Tính có trách nhiệm bồi thường tổng cộng hơn 350 tỷ đồng thiệt hại cho nhà băng.
Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm cáo buộc bà Oanh đã lợi dụng chức vụ, trách nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Agribank nhằm thu lợi cá nhân. Bị cáo đã sử dụng các thủ đoạn như đưa người nhà vào làm ở vị trí lãnh đạo, sử dụng nhiều pháp nhân, tên khách hàng khống để hợp thức hóa hợp đồng, rút vàng đáo hạn gây thiệt hại lớn.
Bị cáo còn chỉ đạo cấp dưới, bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi của mình, xâm phạm đến tài sản của nhà nước. VKS cũng giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo khác về tội danh như cáo trạng.
Năm 2008-2009, trong thời gian đương chức Oanh đã sử dụng tên của 8 cá nhân lập hồ sơ khống vay 2.660 lượng vàng (47 tỷ đồng) để mua căn nhà trên đường Nguyễn Quang Khải (Quận 1) rồi cho con gái đứng tên. Bà này cho Agribank thuê lại với giá 5.800 USD mỗi tháng để mở Phòng giao dịch Viễn Đông và đã nhận của nhà băng tổng cộng hơn 5,6 tỷ đồng.
Oanh chỉ đạo em rể Trương Thế Thanh (trưởng phòng tín dụng) lấy pháp nhân công ty của Huỳnh Ngọc Thạch (con rể Oanh) và một số doanh nghiệp khác tiếp tục vay vàng của Agribank để đảo nợ. Hiện, bà ta còn nợ nhà băng 44 tỷ đồng.
Ngoài ra, Oanh còn ký duyệt cho em rể vay 13 tỷ đồng để đầu tư bất động sản mà không có tài sản bảo đảm. Khi đến hạn, Thanh sử dụng tên của người thân tiếp tục vay để đáo nợ. Quá trình điều tra, ông này chết vì bệnh hiểm nghèo nên VKSND Tối cao đình chỉ điều tra.
Cơ quan công tố xác định, bà Oanh đã phê duyệt cho công ty của Tính vay 5.600 lượng vàng của Agribank sau đó chiếm đoạt. Dù công ty này không đủ các điều kiện nhưng Oanh vẫn đồng ý cho vay bằng tiền.
Bằng chiêu thức này, Oanh nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng tiền chênh lệch khi quy đổi vàng sang tiền.
HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 15/12.