Mô hình cầu Mỹ Thuận 2 - Nguồn: Ban quản lý dự án 7 |
Mới đây Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải công bố mời thầu Gói thầu XL.02 Thi công đường dẫn phía Tiền Giang đoạn Km104+190 - Km105+454 (bao gồm cầu Mỹ Hưng); cầu dẫn phía Tiền Giang (bao gồm 14 nhịp Super T và toàn bộ kết cấu phần dưới từ mố M0 đến trụ T13). Giá gói thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu là 415,7 tỷ đồng. Theo HSMT, nhà thầu liên danh tối đa không quá 3 thành viên. Trường hợp liên danh 3 thành viên thì thành viên đứng đầu liên danh phải đảm nhận khối lượng >= 40% giá trị gói thầu, mỗi thành viên còn lại thực hiện khối lượng >= 20% giá trị gói thầu. Trường hợp liên danh 2 thành viên thì thành viên đứng đầu liên danh phải đảm nhận khối lượng >= 50% giá trị gói thầu, thành viên còn lại thực hiện khối lượng >= 30% giá trị gói thầu.
Thực tế, lâu nay, các chủ đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn luôn canh cánh nỗi lo mang tên “liên danh quá nhiều thành viên”. Bởi đã có những trường hợp liên danh quá nhiều thành viên nhưng mối liên kết không thực sự chặt chẽ, hiệu quả. Và nghiêm trọng hơn, có những thành viên quá yếu kém, dẫn tới cục diện tổng thể của gói thầu đứng trước nguy cơ “vỡ trận” rất cao.
Có nhiều bài học “xương máu” để dẫn chứng cho nỗi lo trên. Đó là gói thầu hơn 500 tỷ đồng xây lắp hạ tầng tại TP.HCM sau gần 2 năm triển khai vẫn chưa có hồi kết bởi sự yếu kém của một thành viên; gói thầu thi công kênh tại Củ Chi dù có nhiều thành viên tham gia nhưng 2 thành viên đã “mất hút”, chỉ còn nhà thầu đứng đầu liên danh đảm nhận thi công.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số tư vấn giám sát có chung quan điểm một gói thầu có quá nhiều thành viên liên danh thi công thực sự là một nỗi ám ảnh nếu năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính của các thành viên không đồng đều. Công trình dễ dàng bị băm vụn bởi tính lắt nhắt, không đồng bộ trong triển khai thi công giữa các nhà thầu.
Chuyên gia về đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho rằng, xét từ nhiều góc độ, các chủ đầu tư có lý do để đưa ra các tiêu chí về số thành viên liên danh cũng như khối lượng công việc đảm nhận thi công trong gói thầu. Với yêu cầu như HSMT nói trên, các nhà thầu dự thầu sẽ bắt buộc phải cân nhắc kỹ việc lựa chọn thành viên liên danh. Đây cũng là phương án khá hợp lý để tăng cường chất lượng quản lý hợp đồng sau đấu thầu.
Một chuyên gia đấu thầu khác nhận định, quan trọng nhất chính là chất lượng của hợp đồng, coi trọng công tác quản lý hợp đồng sau đấu thầu. Nếu xây dựng hợp đồng chặt chẽ, giám sát hợp đồng sát sao, thì số lượng thành viên liên danh là bao nhiêu cũng không ảnh hưởng nhiều.
Cũng có nhà thầu chia sẻ, việc đưa ra các tiêu chí trên trong HSMT sẽ dẫn tới tình trạng hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu. Tuy nhiên, một số đơn vị tư vấn đấu thầu cho rằng, cần hiểu đúng ý nghĩa của cạnh tranh trong đấu thầu. Mục đích của việc đưa ra các tiêu chí trên chính là nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, sử dụng ngân sách nhà nước. Quy định liên danh không quá 3 thành viên sẽ giúp nâng cao trách nhiệm, tăng tính liên kết cho liên danh nhà thầu khi triển khai các gói thầu lớn.
Bên cạnh đó, chính các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu đứng đầu liên danh cũng canh cánh nhiều nỗi lo khi phải đặt trong liên danh quá nhiều nhà thầu khác. Rất nhiều trường hợp thành viên đứng đầu liên danh nhận “quả đắng” vì bị chính thành viên liên danh làm mất mặt bằng các hành vi gian lận, thi công ẩu… Không chỉ phải tốn công sức xử lý rắc rối trước mắt, mà về lâu dài hồ sơ năng lực của các thành viên còn lại cũng bị vạ lây. Tiêu biểu nhất cho trường hợp này là hành vi chuyển nhượng thầu trái phép. Trong trường hợp này, một nhà thầu bị xử lý thì uy tín và danh dự của các thành viên khác trong liên danh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.