Nợ đọng kéo dài, hạn chế nguồn vốn đẩy nhà thầu vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có những công trình như Quốc lộ 4A Lạng Sơn, nhà thầu đã thi công bàn giao cho chủ đầu tư từ cuối năm 2016 và đã đưa vào sử dụng hết bảo hành 4 năm nhưng hiện vẫn chưa thu được khoản tiền nợ 31 tỷ đồng kéo dài đã 6 năm nay. Nợ đọng xây dựng thực sự là vấn đề “nhức nhối” đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh lãi vay tăng cao và khó tiếp cận nguồn vốn như hiện nay.
Ông Bùi Tuấn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình 207

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Tổng giám đốc Công ty CP Công trình 207

Nếu như ở thời điểm đầu năm, lãi vay ngắn hạn dao động từ 6 - 6,5%/năm thì hiện đã tăng lên rất cao, lãi vay trung hạn để mua máy móc phục vụ hoạt động kinh doanh lên đến 13,5%, gây áp lực chi phí rất lớn cho Công ty, thậm chí hiện rất khó để có thể vay vốn ngân hàng. Công ty mong muốn các cơ quan chức năng sớm rà soát các khoản nợ đọng và thanh toán cho doanh nghiệp để cải thiện dòng tiền hoạt động.

Đối với các gói thầu đang gặp nhiều khó khăn do biến động giá vật liệu, Chính phủ đã giao bộ, ngành liên quan nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy thông tin gì, không biết có được điều chỉnh giá hay không. Đối với các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh thì được điều chỉnh theo chỉ số giá CPI (giá tiêu dùng nói chung, hay nhóm giao thông…) không phản ánh đúng biến động giá của vật liệu xây dựng. Như thời gian qua, có những vật liệu tăng đến 60% nhưng nếu điều chỉnh theo chỉ số giá CPI chỉ khoảng 6%.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty chưa thấy bất cứ thông tin, văn bản nào từ các cơ quan hữu quan về việc bàn thảo, đưa ra các giải pháp để giúp nhà thầu xử lý, tháo gỡ nợ đọng xây dựng, ổn định thị trường vật liệu xây dựng. Lãi suất đang tăng cao, doanh nghiệp xây dựng tiếp tục còng lưng gánh các khoản nợ vay, trong khi khoản nợ đọng không đòi được. Nếu tình trạng này tiếp diễn sẽ đẩy nhiều nhà thầu đến bờ vực phá sản.

Chuyên đề