Nợ 19 tỷ đồng tiền bảo hiểm, Vinaxuki từ biểu tượng thành... hiện tượng

Từ một doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Vinaxuki đang đối mặt với khó khăn, phải bán nhà máy, nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động.
Nợ 19 tỷ đồng tiền bảo hiểm, Vinaxuki từ biểu tượng thành... hiện tượng

Nhà máy sản xuất ô tô số 1 ở Mê Linh của Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuân Kiên Vinaxuki vẫn còn nợ gần 19 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nhà máy có trụ sở tại xã Tiền phong, Mê Linh, Hà Nội và sử dụng 167 lao động. Thời gian nợ bảo hiểm của đơn vị này lên tới 74 tháng, tương đương với hơn 6 năm.

CTCP Ô tô Xuân Kiên được thành lập năm 2004, ban đầu là nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô. Sau đó, Công ty được cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại. Vinaxuki là một nhãn hiệu ô tô của Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên và được giới thiệu 1 năm sau đó.

Khi đó, Dự án Dự án đầu tư sản xuất ô tô của Xuân Kiên được xây dựng trên diện tích 200.000 m2 gồm 3 nhà máy tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Thời “hoàng kim” của Vinaxuki gắn liền với mô hình sản xuất và kinh doanh xe tải, nhất là các dòng xe tải hạng nhẹ. Ông chủ Vinaxuki từng chia sẻ với báo chí rằng có nhiều thời điểm, nhà máy sản xuất của Vinaxuki chạy hết công suất để xuất xưởng khoảng 60 xe mỗi ngày mà vẫn không đủ xe giao cho đại lý.

Những sản phẩm do Vinaxuki làm ra lúc đó đã có tỷ lệ nội địa hoá lên đến 30%, nhờ vậy giá thành cũng vì thế được hạ thấp và giúp tăng khả năng cạnh tranh so với xe nhập khẩu,     

Tuy nhiên, giấc mơ chiếc xe hơi được sản xuất hoàn toàn Việt Nam đã đẩy Vinaxuki đến bờ vực phá sản với các khoản nợ cả nghìn tỷ đồng. Nhiều chuyên gia đã phân tích chỉ ra gót chân Asin của Vinaxuki từ chiến lược phát triển xe hơi, mô hình đầu tư, sản xuất, tiềm lực doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh với các dòng xe tên tuổi...

Việc chuyển sang sản xuất xe du lịch đã ngốn của Vinaxuki nguồn vốn rất lớn trong khi sản phẩm mới chưa thể đem lại donh thu. Vinaxuki đã phải đem nhiều  tài sản như nhà máy, quyền sử dụng đất cho đến các dây chuyền lắp ráp,... đi cầm cố ngân hàng để có nguồn vốn hoạt động.

Cho đến khi Vinaxuki phải bán nhà máy sản xuất để trả nợ thì chiếc xe Made in Vietnam vẫn chưa thể ra mắt thị trường. Và đến nay, Vinaxuki vẫn còn nợ người lao động quyền lợi cơ bản – các chế độ bảo hiểm xã hội.

Ô tô 1 – 5 cũng nợ bảo hiểm xã hội

Một thương hiệu ô tô có tiếng khác cũng đang nợ đóng tiền bảo hiểm kéo dài. Đó là CTCP Ô tô 1-5, có trụ sở tại thị trấn Đông Anh,huyện Đông Anh, Hà Nội.

Tính đến 31/3/2017, CTCP Ô tô 1-5 sử dụng 229 lao động và nợ đóng bảo hiểm 22 tháng (gần 2 năm) với tổng số tiền hơn 10,1 tỷ đồng.

Khác với Vinaxuki rơi vào tình trạng phá sản, Ô tô 1-5 là đơn vị đang ăn nên làm ra. Theo thông tin từ ĐHCĐ thường niên năm 2016, giá trị sản xuất năm 2015 của công ty đạt 265 tỷ đồng với doanh thu là 250 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 44,13 tỷ đồng (bằng 709,8% kế hoạch năm).

Năm 2016, Công ty đặt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh giá trị sản xuất là 377 tỷ đồng, doanh thu 368 tỷ đồng. Đến nay, Công ty chưa thông báo tổ chức ĐHCĐ nên chưa rõ kết quả kinh doanh của năm 2016 ra sao.

Được biết, Công ty Cổ phần ô tô 1-5 khởi nguồn từ xưởng thợ Avia ở phố hàng Vôi ( Hà Nội) những năm 1921-1922. Đến năm 1956, Công ty được thành lập cơ sở 4 xưởng Avia, GK-115, GK 125 và xưởng Yên Ninh.

Qua hơn 50 năm, Công ty Cổ phần ô tô 1-5 đã trở thành một đơn vị dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt nam với sản phẩm chính là các loại xe khách, xe buýt từ 29-80 chỗ, các loại xe tải nặng, xe tải nhẹ và các xe chuyên dụng, các loại trạm trộn bê tông Asphalt, trạm bê tông xi măng, trạm nghiền sàng đá, các sản phẩm nội thất ô tô, tàu hoả , tàu thuỷ, làm từ vật liệu Composite, giả da….v.v. và các sản phẩm cơ khí khác.

Theo giới thiệu, Công ty có hệ thống nhà xưởng liên hoàn, dây chuyền công nghệ và trang thiết bị hiện đại với có khả năng sản xuất hàng năm trên 5000 ô tô, hàng trăm trạm trộn.

Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty tham gia nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội như các chính sách thương binh liệt sĩ, uống nước nhớ nguồn, quan tâm nuôi dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, tham gia và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ công nhân viên.

Nhưng quyền lợi quan trọng của người lao động là các chế độ bảo hiểm thì công ty chưa hoàn thành, nợ nần đến gần 2 năm.

Được biết, CTCP Ô tô 1-5 đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam về sản xuất xe khách, xe buýt, máy công trình, chiếm 75% thị phần nội địa, hướng tới xuất khẩu.

Cổ đông chiến lược của Công ty là CTCP Bamboo Capital (mã BCG-HoSE), sở hữu 46,3% vốn điều lệ của CTCP Ô tô 1-5. Vào tháng 12/2015, Bamboo Capital và CTCP Ô tô 1-5 đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đó có nội dung Bamboo Capital sẽ là đơn vị tư vấn về tài chính cũng như thu xếp vốn và niêm yết chứng khoán cho Ôtô 1-5 trong năm 2016.

Nhưng đến tháng 3/2017, vẫn chưa thấy Ô tô 1-5 niêm yết.

Chuyên đề