Ninh Thuận mời gọi đầu tư 55 dự án có diện tích hơn 3.435 ha

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 28/4/2024 nhằm giới thiệu quy hoạch bố trí không gian và phân bổ nguồn lực phát triển, đồng thời xúc tiến đầu tư 55 dự án trọng điểm với tổng diện tích hơn 3.435 ha.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận giới thiệu nội dung Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Ảnh: Ngọc Tuấn
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận giới thiệu nội dung Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư. Ảnh: Ngọc Tuấn

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2023. Quy hoạch nêu rõ tầm nhìn chiến lược là “Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” và mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đáng chú ý, Quy hoạch đề ra phương hướng phát triển 5 ngành quan trọng. Thứ nhất là năng lượng, năng lượng tái tạo, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối…). Đến năm 2030, ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong Tỉnh.

Thứ hai, du lịch chất lượng cao trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, phát triển theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP. Theo đó, Tỉnh phát triển phát triển du lịch ở các khu vực ven biển làm động lực với các lợi thế tiềm năng như vịnh, bãi tắm. Ngoài ra, ưu tiên các khu vực đặc thù khác như: các cồn cát, khu vực sản xuất muối theo định hướng sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, khác biệt.

Thứ ba, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến các sản phẩm đặc thù, tổ hợp sản xuất hóa chất sau muối. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khu vực cảng biển và trung tâm logistics. Mục tiêu, đến năm 2030, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 40% giá trị GRDP, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 25 - 30%.

Thứ tư là phát triển ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên khu vực các huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam với các vùng sản xuất tôm giống; các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam và Bác Ái với các vùng sản xuất rau, cây ăn quả, nho, mía đường.

Thứ năm là ngành xây dựng và bất động sản, phấn đấu đến năm 2030, ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 19 - 20% GRDP với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kiến trúc đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc văn hóa đặc trưng.

Về phương án tổ chức không gian phát triển, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận xác định phát triển theo 4 vùng lãnh thổ, 3 vùng động lực, 3 hành lang phát triển.

Trong đó, 4 vùng lãnh thổ gồm: vùng trung tâm (TP. Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận), vùng phía Bắc (huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải), vùng phía Tây (huyện Ninh Sơn, huyện Bác Ái) và vùng phía Nam (huyện Ninh Phước, huyện Thuận Nam).

3 vùng động lực phát triển gồm: vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm vùng, các đô thị vệ tinh có chức năng riêng biệt gồm: Lợi Hải (công nghiệp), Thanh Hải (du lịch), Phước Dân (thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề). Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch. Trong đó, đô thị Phước Nam là trung tâm vùng; các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt gồm Cà Ná (công nghiệp cảng biển), Sơn Hải (du lịch - dịch vụ). Vùng phát triển phía Tây hướng tới phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng và du lịch.

3 hành lang kinh tế gồm: hành lang phát triển đa dạng dọc theo các trục tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua Tỉnh; hành lang phát triển sinh thái dọc theo trục Đông - Tây, Quốc lộ 27, 27B và không gian sinh thái dọc sông Dinh, Vườn quốc gia Phước Bình kết nối phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp phụ trợ, năng lượng, du lịch trải nghiệm...; hành lang phát triển ven biển dọc theo tuyến đường ven biển (TL.701, TL.702) và khu vực vùng bờ, phát triển du lịch là chủ đạo gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa, phát triển sản phẩm du lịch khác biệt gắn với 6 đô thị ven biển (Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná) và các khu đô thị du lịch, khu chức năng ven biển được cụ thể hóa trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ.

Trong danh mục 55 dự án Tỉnh mời gọi đầu tư, có 18 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 14 dự án lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản; 9 dự án lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo; 9 dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 5 dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Các dự án hàng đầu có thể kể đến: Khu dịch vụ hỗn hợp khách sạn thương mại cao cấp Đường 16 tháng 4 TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy, Trung tâm logistics Cà Ná, cảng Cà Ná, Khu đô thị mới Đông Bắc, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Đông Nam 1, Khu đô thị mới Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, Khu đô thị mới núi Đá Chồng, Dự án điện khí LNG Cà Ná, Thủy điện tích năng Phước Hòa, điện gió Đầm Nại 3, điện gió Đầm Nại 4, hạ tầng Cụm công nghiệp Phước Minh 3, vùng nông nghiệp công nghệ cao Phước Trung…

Nhân dịp công bố Quy hoạch Tỉnh, Ninh Thuận cũng sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều nhà đầu tư.

Chuyên đề