Niềm tin kinh doanh đang trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những tín hiệu tích cực và khởi sắc rõ nét về tình hình đăng ký kinh doanh và hoạt động của các doanh nghiệp trong quý IV/2021 đang cho thấy đà phục hồi kinh tế rõ nét. Nhờ đó, niềm tin và sự lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2022 tiếp tục được củng cố vững chắc hơn.
Năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều tín hiệu khởi sắc

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, 64,1% về số vốn đăng ký và 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Đây được coi là những tín hiệu rất tích cực sau gần 3 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động. Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các con số này cho thấy, tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục phục hồi rõ nét hơn sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP. Trong bối cảnh bình thường mới, nhiều doanh nhân nhìn thấy cơ hội kinh doanh mới (lĩnh vực đổi mới sáng tạo) nên đã quyết định thành lập doanh nghiệp, hoặc những doanh nghiệp đã có ý tưởng kinh doanh từ trước nhưng nay mới là thời điểm thích hợp để khởi nghiệp… nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới bật tăng trở lại.

Đánh giá về tình hình đăng ký kinh doanh, bà Nguyễn Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp - Xây dựng và Vốn đầu tư thuộc Tổng cục Thống kê cho rằng, sau thời gian dài bị tác động của dịch Covid-19, sức chịu đựng của doanh nghiệp bị bào mòn, đặc biệt trong quý III/2021, số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên, trong quý IV/2021, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đã bước đầu được khôi phục trở lại, bức tranh doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 khởi sắc hơn. Rõ nét nhất là số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 12/2021 còn cao hơn mức trung bình của tháng 12 trong giai đoạn 2016 - 2020.

Doanh nghiệp lạc quan

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý IV/2021 cho thấy, dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 83,1% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 82% và 81,2%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê thực hiện trong quý IV/2021 cho thấy, dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Về đơn đặt hàng, xu hướng quý I/2022 so với quý IV/2021, có 41,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 16,8% dự kiến đơn hàng giảm và 41,8% dự kiến ổn định. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý I/2022 so với quý IV/2021, có 37,2% dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 16,7% dự kiến giảm và 46,1% dự kiến ổn định.

Trong năm 2022, Việt Nam sẽ triển khai chương trình phục hồi và có các gói kích thích kinh tế. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, triển vọng phát triển của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng trước thềm năm mới là khá sáng sủa. Cùng với chương trình phục hồi kinh tế và các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế rất lớn, giải ngân đầu tư công cũng được tăng cường sẽ khiến công ăn việc làm, các dự án được khởi động mạnh mẽ trở lại… Từ đó, ngành xây dựng có cơ hội việc làm để phục hồi tốt hơn trong năm tới.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chương trình phục hồi có thể tập trung hơn cho đối tượng là các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp lớn cũng cần được hỗ trợ để sớm phục hồi vì sức lan tỏa tới nhiều doanh nghiệp, ngành nghề khác.

Phạm vi hỗ trợ phục hồi cũng phải bao trùm được tới các đối tượng bị tác động mạnh mẽ bởi dịch Covid-19 như du lịch và các lĩnh vực liên quan như: giao thông vận tải, dịch vụ nhà hàng, khách sạn… bởi đây là những lĩnh vực tạo công ăn việc làm rất lớn, có sức lan tỏa, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP chung của cả nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn của Việt Nam như: dệt may, giày da... cũng cần được hỗ trợ phục hồi để tận dụng được cơ hội thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hương Nga cho rằng, doanh nghiệp đang cần các chính sách hỗ trợ trực tiếp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất như: tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, mở rộng sản xuất, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu và kích cầu tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, cần miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, tạo thuận lợi trong tiếp cận các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp cận các nguồn vay từ các tổ chức tín dụng, thủ tục cho vay đơn giản, hạ lãi suất cho vay...

Chuyên đề